Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 620 tỷ USD, giảm 8,2% (tương đương 56 tỷ USD) so với năm 2022. Cụ thể, xuất khẩu đạt khoảng 323 tỷ USD, giảm 5,8% (tương đương 20 tỷ USD), trong khi nhập khẩu đạt gần 297 tỷ USD, giảm 10,7% (tương đương 36 tỷ USD).
Bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam cho biết: “Để có thể duy trì được con số trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước thích nghi với bán hàng trả chậm để thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng, đảm bảo tính bền vững cho hoạt động kinh doanh trong môi trường ngày càng cạnh tranh. Vấn đề là các doanh nghiệp cần hiểu rõ những yếu tố này và biết cách ứng phó một cách có chiến lược bằng chính sách quản lý tín dụng hợp lý sao cho có lợi cho mình”.
Thực tế, việc bán hàng trả chậm đã trở thành phương thức phổ biến tại thị trường Việt Nam, với trọng tâm là khuyến khích duy trì kinh doanh với các khách hàng trung thành và tin cậy hiện có. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, phương thức thanh toán này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Báo cáo mới nhất về “Xu hướng thực tiễn thanh toán cho Việt Nam” từ Atradius cũng cho thấy, Việt Nam hiện đang nổi lên như một quốc gia dẫn đầu bán hàng B2B trả chậm, đạt 67%, vượt qua mức trung bình 51% của châu Á. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ngành nông sản, thực phẩm và dệt, may mặc. Bên cạnh đó, doanh số bán hàng tín dụng B2B của các công ty Việt Nam tăng đáng kể trong 12 tháng qua, đạt mức trung bình 67% tổng doanh số bán hàng B2B, tăng 21% so với năm trước.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là doanh số tín dụng tăng vọt đi kèm với nguy cơ thực hiện thanh toán kém hơn. Gần 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, lý do chính dẫn đến việc chậm thanh toán là tình trạng thiếu thanh khoản của khách hàng B2B. Dù vậy, bất chấp những rủi ro liên quan đến việc gia tăng giao dịch bằng tín dụng, những chiến lược này đã mang lại thành công cho các công ty khi số lượng hóa đơn quá hạn giảm, hiện chỉ ảnh hưởng đến 32% tổng doanh số B2B, so với 48% vào năm 2022.
Ngoài ra, nợ khó đòi cũng giảm xuống đáng kể, chỉ ảnh hưởng 1% trên tổng doanh số B2B, giảm so với mức 6% của năm ngoái. Một con số tích cực khác là 60% doanh nghiệp ghi nhận, thời hạn thu hồi tiền hàng tồn đọng (DSO) có cải thiện, trung bình mất 57 ngày kể từ khi lập hóa đơn.
Điều này cho thấy, các công ty Việt Nam đã áp dụng một loạt biện pháp khác nhau như dành thêm thời gian và nguồn lực để đòi nợ hóa đơn chưa thanh toán và lùi hạn thanh toán cho nhà cung cấp. Hầu hết các công ty thực hiện những biện pháp này trong khuôn khổ duy trì nội bộ và quản lý rủi ro tín dụng khách hàng, bao gồm việc lập quỹ dự phòng để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra.
Đáng chú ý, doanh số tín dụng B2B tăng vọt cũng dẫn tới xu hướng lựa chọn bảo hiểm tín dụng như một chiến lược giảm thiểu rủi ro, với 70% công ty được khảo sát trong ngành nông sản, thực phẩm cho biết họ đang tìm hiểu về hướng đi này.
Về triển vọng năm 2024, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam có lo lắng về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giá năng lượng, hàng hóa biến động và tác động của áp lực lạm phát chung lên chi phí sản xuất nhưng 85% doanh nghiệp được khảo sát lạc quan, dự đoán sẽ có sự tăng cầu cho sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là trong ngành nông sản, thực phẩm, dệt và may mặc.