Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Cuối năm thường là thời điểm các doanh nghiệp “khát” vốn nhất để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết. Tuy nhiên, năm nay, lãi suất “dâng” cao khiến nhiều doanh nghiệp gần như không thể tiếp cận được ngồn vốn, nếu tiếp cận được vốn thì cũng lo “toát mồi hôi” để trả lãi.

Lãi suất vẫn cao

Đa số các đại biểu tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012 - Dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu” do Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến Thương mại và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) phối hợp tổ chức sáng qua (9/11), đều cho rằng, hiện là thời điểm rất khó khăn đối với doanh nghiệp.

Khách hàng đến giao dịch tại HDBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội cho biết: “Chịu ảnh hưởng của bất ổn kinh tế thế giới, lượng đơn đặt hàng từ khách hàng châu Âu của chúng tôi sụt giảm nghiêm trọng, tới 30 – 40% so với cùng kỳ năm 2010, các đơn hàng mới cho đầu năm 2012 cũng chưa được xác định. Do vậy, doanh nghiệp rất khó xác định được kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hơi”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, từ năm 2008 tới nay, do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nên “làn sóng” chống bán phá giá, dựng các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu ngày càng tinh vi và nhiều hơn. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận thị trường các nước.
Không chỉ giảm đơn hàng, các chi phí sản xuất, kinh doanh cũng tăng cao, đặc biệt là lãi suất. Vì thế, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bị giảm, thậm chí có doanh nghiệp bị thua lỗ. “Doanh nghiệp chỉ mong lãi suất sớm giảm để có thể hoạt động hiệu quả hơn”, ông Việt cho biết thêm.
Cùng quan điểm trên, ông Ngô Thành Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên XNK và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hanoi) cho biết: “Việc tạo ra lợi nhuận, trả lãi cho ngân hàng đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp”.

Gỡ khó về vốn và thị trường

Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, doanh nghiệp đang phải vay với lãi suất tương đối cao, trong khi sức tiêu thụ hàng hóa hạn chế. Do vậy, chúng ta nên đánh giá khả năng sinh lời của các doanh nghiệp, để tập trung cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Ngay tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng giám đốc SeABank cho biết, SeABank sẽ triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt về vốn, lãi suất, phí dịch vụ dành cho tất cả các khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cụ thể, giảm 1,5% lãi suất vay, giảm 50% phí chuyển tiền trong nước, giảm 30% phí thanh toán cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank), Ngân hàng TMCP Quốc tế cũng cam kết sẽ dành các gói tín dụng hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 17,5%/năm dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong dịp cuối năm. Hy vọng các gói kích thích này sẽ giúp doanh nghiệp vơi bớt phần nào cơn “khát” vốn trong giai đoạn hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản; ASEAN (trong đó có Việt Nam) ký với Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân và sắp tới ký song phương với Chilê. Đây sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp xuất khập khẩu thâm nhập thị trường các nước này.

“Bộ Công Thương sẽ cố gắng mở ra các thị trường mới cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhưng Bộ Công Thương chỉ là nơi tạo ra cơ hội, còn doanh nghiệp phải nắm bắt lấy cơ hội đó”, ông Khánh nhấn mạnh.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN