Có lẽ không có một hành trình nào vừa khó khăn vừa thú vị như Vinacafé trên hành trình tìm về bản thể của hạt cà phê. Với những ý tưởng khám phá và bảo tồn hương vị tự nhiên trong hạt cà phê; dù là hạt cà phê của vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, vùng khí hậu trong văn vắt của Đà Lạt hay là trên tít tận điệp trùng mây của núi rừng Tây Bắc, Vinacafé đã tìm ra (hay là tìm về) cái hồn cốt đích thực của cà phê khởi thủy.
Với Vinacafé, cà phê đã không chỉ là một sản phẩm thương mại bình thường mà còn ôm ấp biết bao ý tưởng với những suy tư về văn hóa, về lối ứng xử và về môi trường tạo ra cho cà phê và môi trường do cà phê tạo ra đối với đời sống xã hội.
Cà phê là như thế, với tư cách là sản phẩm được chắt lọc từ hương vị của thiên nhiên thuần Việt, đã bước qua hơn một thế kỷ du nhập, để trở thành một sản phẩm gần gũi và thân thiết đứng bên cạnh hạt lúa, củ khoai.
Hành trình của Vinacafé là một hành trình tiên phong tìm ra mùi vị đích thực của hạt cà phê như nó vốn có khi đưa hạt cà phê qua một qui trình chế biến với công nghệ hiện đại.
TGĐ Vinacafé Biên Hòa Phạm Quang Vũ trả lời phỏng vấn PV Đài truyền hình TƯ Trung Quốc tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN 2010. |
Chắc không khó khăn đến thế nếu những hạt cà phê chín lựng vẫn được phơi nắng, phơi gió, phơi sương và được chế biến thủ công trên những chảo gang, chảo đất bằng bếp củi của rừng già như khi nó mới du nhập vào nước ta.
Chỉ khi cà phê cùng loài người bước vào thế giới công nghệ đầy biến ảo để tạo ra hàng ngàn dòng sản phẩm đáp ứng cái “gu” cho hầu hết đối tượng tiêu dùng thì cà phê mới dần dao động, đôi khi ra quá xa cái gốc của nó.
Với rất nhiều sản phẩm cà phê, khi đòi hỏi về lợi nhuận thương mại tăng lên thì giá trị thưởng thức hình như hạ xuống. Bằng chứng là trên thị trường xuất hiện vô số các loại cà phê pha trộn với các chất phụ gia, hương liệu nhân tạo nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt của một bộ phận người tiêu dùng thiếu hiểu biết.
Cũng có những thương hiệu cà phê không cung cấp cho người tiêu dùng loại cà phê nguyên chất mà thay bằng loại cà phê “chọc” vào đúng tâm lý thích “sành điệu” của người tiêu dùng. Bất kể có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, nhiều hãng “cà phê quán” muốn tạo ra cái “gu” câu khách đã “vô tình” góp phần làm cho cà phê bị pha trộn ngày càng nhiều hơn.
Khi mà giữa ma trận thật giả của cà phê cách nay hàng thập kỷ trước, Vinacafé đã bỏ ra 10 năm mở lối, tìm đường về cội nguồn thiên nhiên còn nguyên vẹn trong mỗi hạt cà phê. “Cà phê lúc nào cũng là nó nhưng bị biến thái đi do mục tiêu sử dụng của con người.
Trong suốt thời gian sau khi tiếp quản nhà máy, chúng tôi phải lập qui trình công nghệ nhiệt chế biến cà phê hòa tan với yêu cầu phải là cà phê nguyên chất và hương vị đích thực của cà phê từng vùng; sau đó phối trộn một cách khoa học và hợp lý các loại cà phê để tạo ra một loại cà phê đặc trưng nhưng luôn mang hương vị và bản chất của cà phê tự nhiên”. Ủy viên HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc (TGĐ) Viancafe Biên Hòa Bùi Xuân Thoa nhớ lại quãng thời gian “mò mẫm” tìm kiếm, xác định hương vị cà phê Việt Nam.
Có thể tóm tắt hành trình tìm ra cà phê “hương vị của thiên nhiên” là như thế, nhưng đằng sau nó là cả một chặng đường cực kỳ khó khăn, đó là một cuộc “đấu trí” của các kỹ nghệ gia như Bùi Xuân Thoa với các nhà cung cấp thiết bị, cũng là một cuộc “tiểu cách mạng” trong công nghệ chế biến cà phê hòa tan cũng như trong định hướng tiêu dùng đối với khách hàng; và cuối cùng là sự thành công trong việc làm chủ công nghệ chế biến cà phê tiên tiến trên thế giới được du nhập vào nước ta.
“Cà phê không đơn giản như cốc sữa ai pha chế cũng cho chất lượng như nhau mà, như ta hay nói, nó là sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao. Chất xám trong sản phẩm cà phê tinh chế không chỉ có công nghệ, mà nó còn phụ thuộc vào những giá trị thẩm mỹ hướng đến văn hóa, văn minh trong nhận thức, trong hành động, trong mục tiêu của nhà sản xuất chân chính”, ông Bùi Xuân Thoa khẳng định.
Có lẽ nhờ vậy mà đất nước chúng ta có một sản phẩm cà phê mang thương hiệu quốc gia khẳng định giá trị và mục tiêu chỉ mang những gì tinh túy nhất của thiên nhiên đến người tiêu dùng; với mong muốn rằng, người tiêu dùng trên thế giới sẽ đi từ yêu thích cà phê Việt Nam đến yêu mến thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Rõ ràng, cà phê đã vượt ra khỏi giới hạn của một đồ uống thông thường.
Và ra thương trường
Cách nay hơn 10 năm, TGĐ Vinacafé Biên Hòa, Phạm Quang Vũ khi đó là Giám đốc kinh doanh, mời tôi đi một chuyến đến biên mậu Việt – Trung; với mục đích thăm dò thị trường. Khi đó sản phẩm chủ lực của Vinacafé là cà phê hòa tan nguyên chất đã vào thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nhưng xuất chính ngạch thì chưa, do vậy nên chưa thể vào sâu nội địa Trung Quốc.
Làm cách nào để cà phê Việt Nam vào thị trường rộng lớn này luôn là một định hướng chiến lược của Vinacafé lúc đó. Suốt một tuần, Phạm Quang Vũ qua lại giữa Móng Cái – Đông Hưng theo giấy thông hành trong ngày, sáng đi tối về, để bàn thảo với các đối tác Trung Quốc.
Kiểm tra chất lượng cà phê thành phẩm. |
Một yêu cầu chưa từng có của đối tác đặt ra là, cùng với việc bao bì mẫu mã phải thiết kế mới và dùng tiếng Trung thì đại diện của nhà nhập khẩu phải được đến tận nơi để tham quan nhà máy và tìm hiểu về qui trình sản xuất.
Vượt qua những ngần ngại về bí mật công nghệ, cuối cùng những vị khách đã được mời đến công ty và tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất, được thử nếm qua mỗi khâu, từ lúc hạt cà phê được đưa vào thiết bị chế biến đến khi ra thành phẩm mà không có bất kỳ một chất phụ gia nào.
Một năm sau, những lô hàng đầu tiên của Vinacafé đã vào thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Và suốt 10 năm qua, Vinacafé đã xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến nguyên chất đến 27 quốc gia thuộc khu vực EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản với lượng hàng xuất khẩu chiếm 20% tổng sản lượng.
Xuất khẩu cà phê chế biến có đặc điểm gì? “Là sản phẩm của công nghiệp chế biến thực phẩm”, TGĐ Phạm Quang Vũ nói, “trước hết phải đảm bảo ATVSTP, mà tiêu chí cao nhất là cà phê chế biến nguyên chất, không thể đưa các chất phụ gia hay hương liệu nhân tạo để “lừa” người tiêu dùng.
Kế đến là tạo sự độc đáo của sản phẩm bằng qui trình công nghệ, vấn đề này rất quan trọng, nó định vị đẳng cấp của nhà sản xuất. Ví dụ, trong hạt cà phê có vị chua nhẹ, thanh rất đặc trưng và khi chế biến trong một vài công đoạn sản xuất cũng xuất hiện vị chua khác. Nếu dùng hóa chất để khử vị chua thì cái vị chua nguyên thủy đặc biệt của cà phê cũng không còn. Do vậy, phải dùng công nghệ nhiệt khử vị chua phát sinh trong quá trình sinh hóa, đồng thời giữ được vị chua nguyên thủy trong hạt cà phê. Người dùng cà phê sành điệu ở nước ngoài rất tinh tế khi xác đinh vị chua đặc trưng này”.
Tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN năm 2010 (TP Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc), chúng tôi đã phỏng vấn nhiều nhà phân phối và người tiêu dùng về các sản phẩm của Vinacafé. “Sự hấp dẫn của Vinacafé là sản phẩm tinh khiết, mang hương vị nguyên chất của cà phê”, ông Lý Thành Hưng, nhà phân phối Vinacafé khu vực tỉnh Quảng Tây nói, “Vì thế, chỉ cần một thời gian không dài lắm, những sản phẩm nguyên chất này đã chinh phục và tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Vậy sức mua của người dân thế nào? “Ồ, nhiều khi không đủ hàng, khách quen dùng Vinacafé rồi thì không dùng loại cà phê khác nữa”. Còn chị, vì sao lại chọn mua Vinacafé? Tôi hỏi chị Lu Xihang. “Tôi dùng loại này 3 năm nay, thơm ngon tuyệt vời, uống mỗi sáng thấy sảng khoái và luôn thấy mùi cà phê ám ảnh”.
Khu vực gian hàng của Vinacafé tại hội chợ luôn đông khách hàng chen chúc, xếp hàng mua và uống thử, những cốc cà phê ngào ngạt tạo ra một không gian cà phê đặc trưng.
Tôi bỗng nghe thấy TGĐ Phạm Quang Vũ, đứng bên chiếc ly cà phê kỷ lục, trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc: “Cùng với chiếc ly cà phê đã được ghi vào kỷ lục thế giới tham gia hội chợ triển lãm lần này, Vinacafé đến với hội chợ và khách hàng Trung Quốc trên tư cách là đại diện của một cường quốc cà phê; do đó, chúng tôi sẽ luôn mang đến cho người tiêu dùng Trung Quốc cũng như toàn thế giới những sản phẩm mang tầm cỡ của một cường quốc cà phê…”.
Chúng tôi hiểu, đó là một hành trình không dễ dàng để Vinacafé hiểu biết đầy đủ về hạt cà phê Việt Nam, từ đó tạo ra một thương hiệu với những sản phẩm made in Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới yêu thích.
Đại lộ thênh thang của nhà xuất khẩu cà phê hòa tan nguyên chất hàng đầu của cả nước đã thay thế cho con đường bán buôn tiểu ngạch năm nào.
Nguyễn Quang Vinh