Tính đến cuối tháng 8/2012, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai đã vượt hơn 1 tỷ USD. Đây là một con số rất bất ngờ trong bối cảnh bức tranh của nền kinh tế thế giới chưa thực sự sáng sủa. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, nguồn vốn đầu tư vào công nghiệp phụ trợ từ Nhật Bản đang là xu thế nổi trội trong luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai.
Để nắm bắt cơ hội này, KCN Giang Điền, một trong ba KCN có phân khu công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn.
Theo đó Sonadezi – chủ đầu tư KCN Giang Điền đã hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 0 ha/tổng diện tích 529,2 ha và đã triển khai xây dựng hoàn tất hệ thống hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 khoảng 100 ha. Với vị trí đắc địa và quy hoạch bài bản, hợp lí, KCN Giang Điền đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ưu tiên dự án công nghệ cao
Là KCN tập trung đa ngành nhưng định hướng thu hút đầu tư của KCN Giang Điền là ưu tiên cho các dự án sạch, công nghệ hiện đại và không ô nhiễm môi trường. Song song đó, Giang Điền cũng chú trọng thu hút các DNNVV vì trên thực tế, các doanh nghiệp này không chỉ là vệ tinh của các tập đoàn lớn mà thường có những cải tiến, đổi mới trong công nghệ, kỹ thuật nhanh hơn các doanh nghiệp lớn.
Việc thu hút các DN này vào Giang Điền là tạo thêm lực hút về công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn, DN lớn, tạo lợi thế cạnh tranh khi thu hút các tập đoàn lớn vào nơi này. Do vậy, trong quy hoạch tổng thể của Giang Điền, có thể chia những mặt bằng rất nhỏ, từ 1.000 đến 2.000 m2 cho nhà xưởng xây sẵn, 5.000 – 10.000 m2 cho đất công nghiệp để phù hợp với khả năng đầu tư của các DNNVV, đồng thời giá cả và phương thức thanh toán sẽ rất linh hoạt để hấp dẫn các nhà đầu tư. Được biết, Giang Điền sẽ áp giá thuê đất thô là 0,5 USD/m2/năm, phí mặt bằng công nghiệp từ 25 đến 50 USD/m2/50 năm (chưa bao gồm thuế GTGT), phí quản lý 0,5 USD/m2/năm.
Hạ tầng KCN Giang Điền - 2. |
Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc lựa chọn nhà đầu tư có thể là một trở ngại cho việc thu hút đầu tư vào Giang Điền, nhưng theo ông Chu Thanh Sơn - Phó tổng Giám đốc Sonadezi thì những lợi thế đặc biệt về nhân lực, vị trí và cơ sở hạ tầng cùng thủ tục pháp lý nhanh gọn, những dịch vụ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư sẽ tạo nên lực hút FDI cho Giang Điền.
Được biết, Giang Điền sẽ thu hút đầu tư 19 ngành, nghề và chia thành nhiều phân khu chức năng các loại hình công nghiệp: Sản xuất lắp ráp chế tạo xe, gia công cơ khí, sản phẩm từ kim loại; các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất; sản xuất dược phẩm, các sản phẩm từ công nghệ sinh học; sản phẩm công nghệ cao, CNTT, điện tử; sản xuất đồ kim hoàn, sản phẩm từ gỗ, nhựa, cao su, thủy tinh... Và có cả một hệ thống dịch vụ tiện ích cho KCN để tạo nên giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư tại Giang Điền.
Điểm đến hấp dẫn
Nằm trên địa bàn các xã Giang Điền, xã An Viễn, huyện Trảng Bom và xã Tam Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai) – là hai huyện đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đã thu hút đầu tư toàn diện về cả công, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ nên Giang Điền có nhiều lợi thế để thu hút lao động và nhà đầu tư. Đặc biệt, KCN Giang Điền có một vị trí hết sức thuận lợi, chỉ cách tuyến quốc lộ 1A (đoạn tránh TP Biên Hòa) khoảng 4 km, cách quốc lộ 51 khoảng 10 km, cách tuyến đường sắt Bắc - Nam khoảng 3 km, cách đường quy hoạch đi sân bay Long Thành khoảng 700 m, cách sân bay Long Thành khoảng 12 km và cách thị trấn Trảng Bom khoảng 6 km.
Đồng thời, Giang Điền nằm gần nhiều cảng như: Cảng ICD Biên Hòa, cảng Gò Dầu, cảng Phước An, Tân Cảng Cát Lái và Cảng Phú Mỹ. Đây sẽ là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.
Nhà máy của DN đầu tư trong KCN Giang Điền. |
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của Giang Điền được xây dựng đồng bộ và được phân khu theo từng đối tượng nhằm tránh cho Giang Điền bị cắt vụn như các KCN trước đây và cũng là tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư: Có khu vực dành riêng cho các DNNVV, khu vực của các doanh nghiệp cùng quốc tịch và quy hoạch ngay từ đầu một khu vực dành cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Hiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Giang Điền đã cơ bản hoàn thiện với đầy đủ hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống thu gom nước mưa, nước thải độc lập, xử lý nước thải theo tiêu chuẩn TCVN 5945: 2005 trước khi chảy ra sông Buông; đường giao thông và đường nội bộ đã hoàn chỉnh, mặt đường thảm bêtông nhựa với tải trọng H30.
Nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong KCN, Sonadezi đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất 12.000 m3/ngày, trạm bơm 5.000 m3/ ngày. Hiện nay, tất cả các hạng mục của nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Giang Điền đã thi công xong và đang đưa vào chạy thử nghiệm.
Theo ông Chu Thanh Sơn – Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Sonadezi: Là một trong ba phân khu công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai, bên cạnh việc sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, chủ động tiếp cận, thu hút đầu tư và đưa ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn, Sonadezi cũng đang kiến nghị các cơ quan chức năng cần có chính sách ưu đãi đầu tư thật cụ thể và hợp lý đối với dự án công nghiệp hỗ trợ và DN hạ tầng phát triển KCN hỗ trợ để có thể nắm bắt tốt cơ hội thu hút làn sóng đầu tư mới của các DN Nhật Bản và các quốc gia khác đang tìm đến Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn chảy vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Hiện KCN Giang Điền đã cho thuê hơn 18 ha đất, thu hút được 5 nhà đầu tư, đó là Công ty cổ phần Đầu tư An Thịnh Đồng Nai, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất thuốc thú y Thịnh Á, Công ty Hữu hạn Cơ khí động lực Toàn cầu, Công ty TNHH Sanher Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm GC với tổng vốn đầu tư của các dự án là 15,35 triệu USD và 206,14 tỷ đồng.
Ông Lý Dục Kỳ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VPIC cho biết: VPIC đã hoạt động tại Đồng Nai từ năm 1994 trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Khi tìm địa điểm cho dự án mới, chúng tôi đã tham khảo nhiều KCN và cuối cùng chúng tôi quyết định ký hợp đồng thuê 12 ha đất tại KCN Giang Điền để đưa Công ty Hữu hạn Cơ khí động lực Toàn cầu đi vào hoạt động bởi đây không chỉ là một trong ba KCN của Đồng Nai được Chính phủ cho phép thí điểm phân khu dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ với các ưu đãi nhất định mà còn là KCN có nhiều lợi thế nổi bật như lợi thế về nhân lực cùng thủ tục pháp lý nhanh gọn, những dịch vụ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư và vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ. Dự kiến trong tương lai VPIC sẽ phát triển thêm các sản phẩm khác theo hướng thân thiện với môi trường.
Bài và ảnh:Kim Huệ