Thị trường bán lẻ Việt Nam có xu hướng “nóng” trở lại vào năm 2010 với mức tăng trưởng trung bình được dự báo vào khoảng 20% - 25%/ năm. Thị trường sẽ chứng kiến sự “so găng” của các doanh nghiệp bán lẻ và giữa các hình thức bán hàng.
Hiệp hội các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho biết, năm 2009 được coi là một năm khó khăn khi kinh tế toàn cầu suy thoái, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam chỉ còn 60,9 điểm so với 88,1 điểm vào năm 2008. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Trưởng phòng cao cấp, bộ phận tư vấn đo lường bán lẻ của Công ty Nielsen, thói quen tiêu dùng thay đổi. “Thay cho việc tìm đến các chợ truyền thống, khách hàng đã tìm đến siêu thị và trung tâm thương mại để mua sắm. Chắc chắn thị trường này sẽ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trong tương lai”, bà Quỳnh nhận xét. Công ty Tư vấn và Nghiên cứu thị trường quốc tế RNCOS cũng đưa ra dự báo doanh số bán lẻ của Việt Nam có thể đạt được 85 tỷ USD vào năm 2012. Đồng tình với nhận định này, ông Matthias Duehn, Giám đốc EuroCham Hà Nội chia sẻ: “Năm 2010 là năm có rất nhiều triển vọng đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn tại Châu Á với tốc độ tăng trưởng bền vững và nhu cầu tiêu dùng khá ổn định”.
Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao
Đại diện công ty Nielsen đưa ra những con số “biết nói” cho thấy có tới hơn 80% đại diện các nhà sản xuất tự tin rằng ngành kinh doanh của họ sẽ phát triển mạnh trên hai con số trong khoảng 6 - 12 tháng tới. Và hầu hết đại diện của các doanh nghiệp bán lẻ đều cho rằng, tình hình kinh doanh của họ sẽ tốt hơn thời điểm cách đây 1 năm và vượt qua cả những mục tiêu mà họ đã đặt ra trước đó. “Điều đó cho thấy thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ thực sự sôi động và tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 25%/năm trong thời gian tới. Và có tới 80% các nhà sản xuất đã trả lời với chúng tôi rằng họ sẽ mở rộng thị trường về khu vực nông thôn”, bà Quỳnh cho biết.
Ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành của CB Richard Ellis Việt Nam cho biết, việc hàng loạt các trung tâm thương mại đang được đầu tư xây dựng chỉ riêng tại Hà Nội như Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng, đối diện Big C), Savico Plaza (Long Biên), Yên Sở Park Shopping Center (Hoàng Mai), Indochina Plaza, Kengnam Landmark Tower…với mức giá cho thuê trung bình 37 – 54 USD/m2 sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam. Đặc biệt, các đại gia bán lẻ sẽ có những cuộc cạnh tranh về giá cả và chất lượng lớn trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng thừa nhận, tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua vẫn chỉ nghiêng về số lượng mà chưa đi vào chất, nguồn nhân lực và phong cách tiểu thương vẫn tồn tại thể hiện ở tính chuyên nghiệp thấp, khả năng quản trị còn kém, có hơn 2/3 doanh nghiệp bán lẻ chưa sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý...
Khuyến mại cũng phải đúng cách
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, cho biết, vừa qua Nielsen đã tiến hành hai cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu diễn ra trong tháng 2 và 9/2009, kết quả cho thấy: nếu như tại thời điểm tháng 2 người tiêu dùng có xu hướng mua những sản phẩm đắt tiền thì đến tháng 9 hành vi này thay đổi theo hướng họ cân nhắc hơn, chọn mua những sản phẩm khuyến mại, rẻ tiền hơn và không mua những sản phẩm chưa cần thiết. Đây là một chỉ báo quan trọng giúp các nhà sản xuất có chiến lược theo đuổi và đầu tư hơn vào các chương trình khuyến mại của mình trong tương lai.
Tuy nhiên, đại diện hãng nghiên cứu thị trường và đo lường bán lẻ này cũng nhấn mạnh, không phải chương trình, loại hình khuyến mại, marketing nào cũng phù hợp cho tất cả thị trường. “Thực tế, tâm lý của người tiêu dùng Sài Gòn là rất thích các hình thức khuyến mại đa dạng trên cùng một sản phẩm như tăng trọng lượng sản phẩm, tặng kèm hàng, nhưng thị trường Hà Nội lại chỉ thích một loại khuyến mại duy nhất, đó là giảm giá”. Do đó doanh nghiệp khi thực hiện khuyến mại cũng cần phải nghiên cứu và có những chương trình phù hợp với tâm lý người tiêu dùng ở từng địa phương và từng thời điểm khác nhau.
Bà Quỳnh cũng khuyến cáo các nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ không nên khuyến mại tràn lan mà cần phải có các kế hoạch cụ thể đối với từng loại sản phẩm, từng mặt hàng khác nhau ở từng địa phương để người tiêu dùng có những lựa chọn hợp lý, không bị rơi vào tình trạng bị bão hòa. Một điểm lưu ý nữa mà bà Quỳnh nói tới đó là vấn đề tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng vào các hình thức khuyến mại của doanh nghiệp. “Mặc dù tháng khuyến mại đã kích cầu được một lượng lớn người tiêu dùng nhưng nhiều điểm vàng của Hà Nội đã thực sự mất điểm khi nhiều khách hàng đến không mua được hàng, đề là “giá sốc” nhưng giá không thực sự “sốc” như quảng cáo… đã khiến cho khách hàng cảm thấy thất vọng”, bà Quỳnh dẫn chứng thêm.
Theo Nielsen Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hiện là mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng. Do đó, những sản phẩm đảm bảo tính an toàn cao, gắn với yếu tố bảo vệ sức khỏe sẽ được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn trong thời gian tới. Bằng chứng là hiện có quá nhiều sản phẩm được gắn mác làm từ trà xanh, từ sữa tươi, từ trà uống liền đến cả nước rửa chén bát… Nếu năm 2007, ngành hàng đồ uống không cồn, nước ngọt có gas dẫn đầu thị trường đồ uống về giá trị, thì thời điểm năm 2009 trà uống liền vươn lên giành ngôi vị hàng đầu. Trong biểu đồ TOP 10 mặt hàng tiêu dùng nhanh có sự tăng trưởng mạnh trong 6 tháng qua tại thị trường Việt Nam của Nielsen, trà uống liền có sự tăng trưởng nhiều nhất, tới 66% so với cùng kỳ năm ngoái; vị trí tiếp theo là nước uống tăng lực (25%) và bia (24%). Kết quả nghiên cứu này cũng là một cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất cũng như nhà cung cấp có được những chiến lược quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn.
Kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cũng cho thấy có tới 62% người tiêu dùng ở các tầng lớp khác nhau vẫn mua hàng trực tiếp ở các chợ truyền thống bởi đó là nơi tiêu thụ các mặt hàng tươi sống lớn nhất Việt Nam hiện nay. “Nếu các siêu thị của chúng ta dành nhiều không gian hơn cho các gian hàng thực phẩm tươi sống thì chắc chắn họ sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn trong tương lai”, bà Quỳnh chỉ rõ.
Có một vấn đề mà các chuyên gia của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cảnh báo: đó là sự xuất hiện của các phương thức bán hàng hiện đại như bán hàng qua mạng, điện thoại di động, bán hàng đa cấp… thu hút một số lượng người tiêu dùng khá lớn. Và nếu như nhóm người tiêu dùng ở nhà này thực sự xuất hiện và trở thành phong trào thì vấn đề của các nhà bán lẻ hiện nay và trong tương lai không phải chỉ ở việc chọn địa điểm đẹp nữa (chiếm vị trí số 1 trong bảng đo chỉ số thương hiệu của Neilsen) mà còn là ở việc chọn các hình thức bán hàng hợp với xu hướng và sở thích của người tiêu dùng, đặc biệt là phải biết phối hợp chặt chẽ giữa bán lẻ, truyền thông đại chúng và viễn thông.