VPSF 2017 sẽ đối thoại với Chính phủ để định ra chiến lược hành động các bên, tập trung đề xuất về cấu trúc nền kinh tế, phân vai giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân sao cho hợp lý, hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân.
Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ hai chuẩn bị diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa ban hành một Nghị quyết dành riêng về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đặt mục tiêu trọng tâm: "Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Các trọng tâm, ưu tiên phát triển kinh tế của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2021 thể hiện rõ quan điểm quản lý là phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thể hiện qua các Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Nghị quyết 100…
Năm 2017, tại Việt Nam được coi là Năm APEC. Đây là một trong những trọng tâm hoạt động của Việt Nam không chỉ trên phương diện đối ngoại mà còn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế trong nước theo hướng bền vững - hợp tác và hội nhập...
Trong bối cảnh đó, VPSF 2017 đã lựa chọn chủ đề: "Từ Nghị quyết Trung ương 5 đến Chương trình hành động của Khu vực tư nhân Việt Nam". Khu vực tư nhân sẽ đối thoại với Chính phủ để định ra chiến lược hành động các bên, tập trung đề xuất về cấu trúc nền kinh tế, phân vai giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân sao cho hợp lý, hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, với tinh thần tăng cường hợp tác công - tư và cam kết đồng hành cùng Chính phủ kiến tạo phát triển kinh tế, khu vực tư nhân cũng sẽ đưa ra các kiến nghị đi kèm cam kết phát triển kinh tế ngành, trước hết là một số ngành mũi nhọn quốc gia (Nông nghiệp, Du lịch, Kinh tế số), phát triển mối liên kết giữa tư nhân - tư nhân và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải, đại diện Ban Cố vấn VPSF 2017 đánh giá: “VPSF 2017 đặt trong bối cảnh vai trò kinh tế tư nhân được Nghị quyết Trung ương 5 xác định trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước. Từ Nghị quyết này cho thấy, chúng ta đã có những nhìn nhận, đánh giá, xác định rõ ràng về vị thế, sứ mệnh, triết lý của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhưng khu vực tư nhân cần thảo luận, đối thoại để xây dựng chương trình hành động, đi từ chiến lược hành động tập trung vào cấu trúc nền kinh tế tới các định hướng về tái cấu trúc, phát triển kinh tế ngành; liên doanh, liên kết để phát triển kinh tế tư nhân, hay vấn đề khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện mục tiêu kiến tạo phát triển kinh tế…”
Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban cố vấn Diễn đàn VPSF, Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Giới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay vẫn kêu than với những khó khăn và thách thức từ môi trường kinh doanh. Với trọng trách của mình, VPSF tiếp tục từng bước thực hiện các kế hoạch đã đặt ra và đẩy mạnh việc tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp tư nhân".
Diễn đàn lần này sẽ tiến hành khảo sát chỉ số Niềm tin doanh nhân CEO.CI tại Việt Nam từ 5/6 - 30/6/2017 theo từng ngành, lĩnh vực. Đây là bộ chỉ số đánh giá niềm tin của các doanh nhân và xu hướng dịch chuyển kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện tại, xu hướng tương lai.
Kết quả của bộ chỉ số không chỉ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp mà còn là nguồn tham khảo thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách, hoạch định phát triển kinh tế. Kết quả CEO.CI 2017 được dự kiến sử dụng làm tiền đề cho các đối thoại giữa Chính phủ và khu vực tư nhân cuối tháng 7, đồng thời công bố tại Sách Trắng VPSF 2017 vào cuối tháng 8.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn năm ngoái. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Năm 2016, VPSF ra đời từ sáng kiến của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI (do ADB và Chính phủ Úc thiết lập). Diễn đàn làm cầu nối giữa Chính phủ và các cơ quan công quyền với khu vực tư nhân để tham vấn, đối thoại chính sách công - tư liên tục và chặt chẽ, trên cơ sở tập hợp và phản ánh những tiếng nói từ cấp cơ sở, vì mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.
VPSF lần thứ nhất, năm 2016 đã diễn ra với sự tham dự của hơn 700 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành trung ương; các ban Đảng, Quốc hội; các tổ chức quốc tế, chuyên gia, quan sát viên trong nước, quốc tế và lãnh đạo các doanh nghiệp khu vực tư nhân. VPSF 2016 đã hình thành 10 Nhóm công tác, đưa ra tuyên bố chung của Diễn đàn, thể hiện rõ các cam kết và sứ mệnh của VPSF đối với cả Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân.