Để chủ động ứng phó, EVN đã yêu cầu các công ty thủy điện quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh vận hành công trình đảm bảo an toàn, hiệu quả.
EVN cũng yêu cầu các tổng công ty điện lực củng cố lưới điện, xử lý các tồn tại, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố để đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.
Khi có ảnh hưởng của thiên tai gây sự cố mất điện, các đơn vị nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn cho các khách hàng, đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; khẩn trương phối hợp với địa phương kiểm tra, tổ chức cắt tỉa cây xanh, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.
Hiện nay, mặc dù các hồ thủy điện lớn phía Bắc đang ở mức nước thấp, nhưng EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát diễn biến áp thấp nhiệt đới và vận hành công trình đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Các đơn vị điện lực sẽ tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
EVN cũng yêu cầu các công ty thủy điện trực thuộc; tổng công ty phát điện, công ty thuỷ điện tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn; chủ động phối hợp với địa phương để tuyên truyền, vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả. Cùng đó, bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Truyền tải điện tăng cường kiểm tra sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời.
Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ; khẩn trương gia cố các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở của các đợt mưa bão trước; khắc phục những tồn tại khiếm khuyết của lưới điện tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Các đơn vị ngành điện tổ chức trực ban 24/24h, không được chủ quan và tăng cường chuẩn bị ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 7/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 100 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.
Sáng sớm 8/7, áp thấp nhiệt đới đổ bộ đất liền khu vực từ Nam Định đến Thanh Hóa. Từ chiều 7/7 đến 8/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa từ 100-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt (tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An). Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh miền núi.