Nghệ An ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số

Nằm trong chương trình khảo sát, đánh giá hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ngày 1/6/2018, Đoàn công tác Ngân hàng Chính sách xã hội(NHCSXH)Việt Nam và Ủy ban Dân tộc do Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) và thị sát tại xã Tà Cạ thuộc huyện Kỳ Sơn.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc với 
huyện Kỳ Sơn
Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới thuộc phía Tây của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh 250km, là 1 trong 64 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.Hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang có 14 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH triển khai đến 100% thôn, bản của 21 xã, thị trấn. Bên cạnh các chương trình cho vay phát triển sản xuất, như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn... các chương trình cho vay bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết nhu cầu thiết yếu về đời sống cho người dân được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, đặc biệt là nhóm các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS.

Trong hơn 15 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH huyện Kỳ Sơn thực hiện đã giải ngân trên 613 tỷ đồng với 30.736 lượt  hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Dư nợ tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện chiếm gần 53%/tổng dư nợ từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Bên cạnh việc giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các đối tượng được thụ hưởng, chất lượng tín dụng luôn được quan tâm kiểm soát chặt chẽ.  

                                  Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Thanh Hoàng cho biết: Ngoài việc thụ hưởng các chính sách chung như các đối tượng khác (cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các chương trình vay vốn làm nhà....), đồng bào còn được thụ hưởng nhiều chương trình đặc thù riêng với mức lãi suất và thời hạn ưu đãi đặc biệt. Kể từ năm 2007 đến nay, sau khi Chính phủ cho phép triển khai các chương trình tín dụng đặc thù dành riêng cho vùng nghèo và đồng bào DTTS và đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự có những đóng góp to lớn đối với kết quả giảm nghèo toàn huyện nói chung và cải thiện đời sống cho đồng bào trên địa bàn huyện nói riêng; nhờ đó, trong giai đoạn 2010 - 2015 tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm của huyện Kỳ Sơn đạt 5,5%/mục tiêu đề ra là 4-5%; trong hai năm 2016 - 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt 4,77%/mục tiêu đề ra là 4 - 5%.

Kiến nghị với Đoàn công tác NHCSXH Việt Nam tại buổi làm việc, Chủ tịch UBNDhuyện Nguyễn Thanh Hoàng đề nghị NHCSXH xem xét, xóa và khoanh các khoản nợ do thiên tai bất khả kháng; có chính sách tiếp sức cho những hộ thoát nghèo tiếp tục được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; đồng thời ủng hộ thêm cho Kỳ Sơn nguồn vốn để đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ, xuất khẩu lao động sang thị trường Trung Đông mà hiện nay một số hộ ở xã Keng Đu đã thực hiện rất tốt.

Ở bình diện chung của tỉnh, chia sẻ tại buổi làm việc, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An, ông Trần Khắc Hùng cho biết: Từ năm 2007, sau khi Chính phủ cho phép triển khai các chương trình tín dụng đặc thù dành riêng cho vùng nghèo và đồng bào DTTS, tín dụng chính sách xã hội tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn đối với kết quả giảm nghèo và cải thiện đời sống của đồng bào DTTS.Tín dụng chính sách đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm từ 36,19% xuống còn 16,54% (các huyện 30a giảm bình quân 6 - 7% mỗi năm); trong hai năm (2016 - 2017) đã giảm từ 24,04% xuống còn 17,04%, giảm 17.214 hộ (các huyện nghèo giảm bình quân 5% mỗi năm), đồng thời tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo các bản, làng ở nông thôn, đặc biệt là vùng nghèo, vùng DTTS.Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng khẳng định: Mặc dù địa bàn huyện rộng, chủ yếu tập trung đồng bào DTTS nhưng về cơ bản huyện Kỳ Sơn thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thể hiện qua một số chỉ số về dư nợ, tỷ lệ hộ nghèo...

Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng lưu ý, Kỳ Sơn là huyện có hộ nghèo cao. Tới đây, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động tuyên truyền bà con; có định hướng giúp bà con sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp để hỗ trợ tốt hơn cho đồng bào.  “Về các kiến nghị, đề xuất của địa phương, yêu cầu NHCSXH tỉnh thành lập tổ công tác rà soát xử lý dứt điểm những món nợ rủi ro. Trước mắt bổ sung nguồn vốn 20 tỷ đồng cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Các kiến nghị còn lại, Đoàn công tác TW tiếp thu và nghiên cứu”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.Trước đó, Đoàn công tác NHCSXH Việt Nam đã đi thị sát, thăm các mô hình, làm việc với lãnh đạo Đảng ủy, UBND, các tổ chức chính trị - xã hội xã Tà Cạ và làm việc với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Sơn.       

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng kiểm tra các thông tin tín dụng được NHCSXH tỉnh công khai niêm yết tại trụ sở UBND xã Tà Cạ

Tại xã Tà Cạ, Tổng Giám đốc đã đến thăm một số mô hình kinh tế, động viên bà con vay vốn sử dụng hiệu quả, đúng mục đích để thoát nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.Tà Cạ là xã biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn tiếp giáp với nước bạn Lào có diện tích đất tự nhiên 6.443ha; dân số toàn xã 4.779 người với 1.057 hộ gia đình đang sinh sống trên 11 bản, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú, Thái.  

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng thăm và động viên một số mô hình kinh tế trang trại là hộ đồng bào DTTS ở xã miền núi Tà Cạ đã được NHCSXH đầu tư vốn ưu đãi, nay đã thoát nghèo bền vững

Đến cuối năm 2017, số hộ nghèo toàn xã là 561 hộ, chiếm tỷ lệ 54,1%; hộ cận nghèo 72 hộ chiếm 6,94%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 9 triệu đồng/người/năm. Đến ngày 25/5/2018, xã Tà Cạ đang thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của NHCSXH với dư nợ gần 28 tỷ đồng thông qua 3 tổ chức chính trị - xã hội thành lập 22 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.057 thành viên. Số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ 183 triệu đồng. Có 978 hộ gia đình DTTS đang dư nợ 26.230 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 94,9% khách hàng được thụ hưởng.Các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát mới nghèo có dư nợ 17.758 triệu đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ, trong đó khách hàng thuộc diện DTTS là  641 khách hàng, dư nợ 16.996 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 95,7%. Đây là những chương trình cho vay chiếm tỷ trọng cao trong tổng số nguồn vốn tín dụng chính sách tại xã và cũng là những chương trình đạt hiệu quả cao nhất giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển đàn trâu bò, dê, lợn, gà tăng hiệu quả kinh tế.   

Đoàn công tác thăm và tặng quà cho gia đình anh Vy Văn Dũng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, nhờ vay vốn ưu đãi để đầu tư trang trại, đã mang lại hiệu quả cao, gia đình thoát hẳn nghèo

Cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động có dư nợ 4,2 tỷ đồng với 128 hộ vay, trong đó có 105 hộ DTTS có dư nợ là 3,4 tỷ đồng. Các hộ được vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả, tác dụng lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh doanh, trồng trọt giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh trên địa bàn.Tiêu biểu là hộ gia đình anh La Văn Phúc ở bản Cánh vay 50 triệu đồng đầu tư vào nuôi bò kết hợp VAC, hiện gia đình anh có 8 con bò, 5 ao nuôi cá, hơn 100 con gà; hộ La Thị Chiến ở bản Cánh vay 50 triệu đồng, hiện gia đình có 9 con bò, 4ha trồng cây xoan, đinh hương; hộ Vy Thị Phương ở bản Cánh vay 30 triệu đồng đầu tư vào nuôi 05 con bò; hộ Vy Văn Dũng ở bản Hòa Sơn vay 20 triệu đồng, hiện có 19 con bò, 10 con dê, hơn 100 con gà, trồng cây ăn quả các loại; hộ Vy Văn Phương ở bản Hòa Sơn vay 30 triệu đồng, hiện gia đình có 15 con bò. 

Đánh giá về hoạt động giao dịch tại xã của NHCSXH, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, Vừ Vả Chá cho biết: “Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh tạo thu nhập. Đồng vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống, giúp đồng bào bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nạn tín dụng đen tại các vùng dân tộc miền núi và dần nâng cao chất lượng cuộc sống”.  

Nhân chuyến công tác tại xã Tà Cạ, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã tặng quà cho các em thiếu niên nhi đồng và các hộ chính sách trên địa bàn

Qua chứng kiến hoạt động tại Điểm giao dịch xã Tà Cạ, nghe báo cáo của Tổ giao dịch xã, kiểm tra quy trình tiếp cận vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự cố gắng của xã Tà Cạ trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn.Từ những kiến nghị của chính quyền xã, ngay tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết sẽ tiếp thu những kiến nghị đề xuất của bà con, tiếp tục đầu tư nguồn vốn và mong muốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. “Với nhiệm vụ của mình, NHCSXH không chờ người vay đến mà luôn chủ động tìm người vay, song cũng phải xác định rõ nhu cầu, nguồn lực cần bao nhiêu thì mới bố trí nguồn lực, đảm bảo nguồn vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng chia sẻ.

 Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, trên địa bàn xã Tà Cạ đã có 1.179 lượt hộ được vay vốn, với số tiền 26.230 triệu đồng; có 412 lượt hộ đã thoát nghèo. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 78% năm 2003 xuống còn 46,4% năm 2017. Đã có nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá. Vốn vay tín dụng chính sách trên địa bàn xã đã đầu tư vào mua 948 con trâu bò, 562 con dê, trồng các loại cây bảo vệ rừng với diện tích trồng lên đến 25 ha; Chi phí phục vụ học tập cho 251 học sinh sinh viên đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; Tạo việc làm và đi xuất khẩu lao động nước ngoài 51 lao động; Xây dựng 308 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn nông thôn đảm bảo chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người dân; xây dựng 247 ngôi nhà cho hộ nghèo... Qua sử dụng vốn đã có 412 lượt hộ thoát nghèo.

Bài và ảnh Thu Huyền
Ngân hàng CSXH Cần Thơ tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,23%
Ngân hàng CSXH Cần Thơ tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,23%

Năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,23%, đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong năm 2018 được Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Cần Thơ đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Cần Thơ, tổ chức tại Cần Thơ ngày 26/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN