Tuy nhiên, từ tháng 12/2015, khi ba nhà mạng lớn triển khai thử nghiệm Đề án “chuyển mạng, giữ nguyên số”, các nhà mạng sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ và khách hàng sẽ được hưởng lợi.
Cơ hội tẩy chay dịch vụ kém
Phong trào sử dụng mạng xã hội Facebook, Twitter hay các ứng dụng nhắn tin miễn phí như: Zalo, Viber và Whatsapp đang “nở rộ” khiến người dùng điện thoại dùng mạng 3G ngày càng nhiều. Thế nhưng, cùng với sự phát triển đó thì tình trạng khiếu nại tính cước, đặc biệt dịch vụ 3G giữa thuê bao và nhà mạng cũng xảy ra nhiều bất cập.
Chất lượng dịch vụ tốt mới “giữ chân” được thuê bao. |
Chị N.M.Thu (phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị đang sử dụng gói cước MIU của MobiFone với cước phí 70.000 đồng/tháng. Khi hết dung lượng tốc độ cao, khách hàng được sử dụng miễn phí với tốc độ thấp hơn. Tuy nhiên, do công việc hay phải gửi ảnh tài liệu, kiểm tra thư nên chị soạn tin để mua thêm gói tốc độ cao Max 10.000 đồng (được dùng 100 MB tốc độ cao). “Tuy nhiên, chỉ lướt Facebook có vài phút mà đã thấy tài khoản thông báo hết dung lượng sử dụng. Nhà mạng trừ tiền kiểu gì mà tôi thấy như bị mất cắp”, chị Thu than thở.
Mặc dù rất bức xúc về tình trạng cung cấp dịch vụ 3G của nhà mạng MobiFone nhưng chị N.M.Thu vẫn buộc phải dùng dịch vụ do nhà mạng này cung cấp: “Nếu muốn chuyển sang sử dụng dịch vụ 3G của nhà mạng khác thì tôi phải đổi số điện thoại vì theo quy định hiện nay thì chuyển mạng sẽ không được giữ số. Vì số điện thoại để liên lạc công việc thường xuyên nên dù khách hàng có bức xúc về chất lượng dịch vụ thì vẫn rất ngại đổi số”, chị N.M.Thu phân tích.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 16/10, TS Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, với chính sách “chuyển mạng, giữ số”, thuê bao của mạng này được chuyển sang mạng khác vẫn được giữ nguyên vẹn các số di động của mình thì thực sự có lợi cho người dùng. Còn khách hàng sẽ có thêm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt. Phía nhà mạng sẽ phải cạnh tranh chất lượng dịch vụ tốt hơn, lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, đại diện Vinastas cũng lo ngại về năng lực hệ thống cơ sở dữ liệu của nhà mạng có đáp ứng được khi cùng một thời điểm sẽ có nhiều khách hàng muốn đổi mạng và chất lượng dịch vụ sau chuyển đổi có đảm bảo hay không.
Không lo xáo trộn thị trường
Trước yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone sẽ chạy thử nghiệm việc chuyển mạng giữ nguyên số từ tháng 12/2015 (chậm 6 tháng so với lộ trình đề ra). Như vậy, dự kiến từ ngày 1/1/2017 sẽ chính thức đưa dịch vụ này vào khai thác thương mại.
“Chuyển mạng giữ số là dịch vụ đang rất cần phải triển khai để đáp ứng nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dùng, thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường đảm bảo chất lượng dịch vụ giữa các nhà mạng. Cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã có được hình dung khá rõ về quy trình khi một thuê bao chuyển mạng sẽ như thế nào, ít nhất là về mặt kỹ thuật”. Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải . |
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), sở dĩ có sự chần chừ vì các doanh nghiệp không muốn phải đầu tư thêm tiền cho hạ tầng mà không sinh ra thuê bao mới; đồng thời lo ngại sẽ có sự xáo trộn thị trường. Tuy nhiên, đại diện Cục Viễn thông cho rằng, doanh nghiệp phải xác định chuyển mạng giữ nguyên số là một dịch vụ không nhằm mục tiêu tăng doanh thu, lợi nhuận. Theo kinh nghiệm các nước đã triển khai dịch vụ này thì không có sự xáo trộn số thuê bao chuyển mạng từ mạng lớn sang nhỏ, thậm chí lượng thuê bao chuyển mạng còn nhỏ hơn khi không áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số
Đề cập về năng lực cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Cục sắp hoàn tất việc xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung tại Trung tâm mạng Quốc gia để đưa vào vận hành. Đến tháng 12, các doanh nghiệp di động có thể kết nối kỹ thuật về Cục Viễn thông để áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. “Năng lực hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ cho chính sách chuyển mạng giữ nguyên số có thể đáp ứng cho 4 triệu thuê bao chuyển mạng trong 3 năm và không giới hạn số lần chuyển mạng”, ông Nhã nói.
Để hạn chế tình trạng người dùng sẽ “ồ ạt” chuyển đổi từ mạng này sang mạng khác để hưởng khuyến mại, rồi lại đua nhau chuyển về mạng cũ khi hết chương trình ưu dãi, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải khẳng định: Vấn đề này hoàn toàn có thể điều tiết được bằng các quy định khác nhau, chẳng hạn như quy định những khách hàng đã chuyển mạng thì phải đợi 90 ngày sau mới được chuyển lần nữa.
Bên cạnh đó, Bộ TT-TT có thể thông qua quy định về giá cước hay gọi là phí chuyển mạng để điều chỉnh lượng thuê bao chuyển mạng. Nếu phí này cao thì tất yếu, số lượng người dùng chuyển đổi sẽ ít và ngược lại, nếu muốn khuyến khích, kích cầu cho dịch vụ thì có thể đẩy giá cước xuống thấp trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, quy định thời gian chuyển cũng là một "van điều tiết" hiệu quả.