Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ sư nhiều kinh nghiệm, có trình độ quốc tế, đủ năng lực triển khai thực hiện các dự án kho nổi chứa và xử lý dầu thô (FSO/FPSO) tại thị trường trong và ngoài nước.
PTSC đã tiếp tục tham gia góp vốn vào nhiều liên doanh sở hữu FSO/FPSO. Năm 2006 liên doanh với Modec và Mitsui cung cấp FSO MV12 cho KNOC với tổng mức đầu tư gần 70 triệu USD trong đó PTSC sở hữu 33% vốn. Năm 2007, PTSC đã liên doanh với MISC hoán cải và cung cấp FSO Orkid (hoàn tất và đưa vào khai thác từ 26/3/2009) cho Talisman Malaysia với tổng giá trị gần 190 triệu USD trong đó PTSC sở hữu 49%. Năm 2008, PTSC liên doanh với MISC hoán cải và cung cấp FPSO Ruby II (hoàn tất và đưa vào khai thác từ 09/6/2010) cho Petronas với tổng giá trị đầu tư gần 350 triệu USD trong đó PTSC sở hữu 60%.
Bước tiến đáng kể của PTSC trong lĩnh vực dịch vụ FSO là Tổng công ty đã trực tiếp đầu tư đóng mới FSO PTSC Bạch Hổ với sức chứa 1 triệu thùng dầu tại nhà máy đóng tàu Nam Triệu, Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD. Sau khi vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách và đưa vào hoạt động, khai thác ổn định tại mỏ Bạch Hổ, FSO PTSC Bạch Hổ đã được chuyển giao cho Vietsovpetro (VSP) từ 5/9/2011, phù hợp và đáp ứng được kỳ vọng của cả VSP và PTSC.
Tiếp đến, việc triển khai các dự án cung cấp FSO cho Biển Đông POC và FPSO cho Lam Sơn JOC thực sự vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với PTSC. Giai đoạn bắt đầu đấu thầu dự án (2010-2011) là đỉnh điểm khủng hoảng tài chính trong khu vực và trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp và ngành dầu khí cũng không phải là ngoại lệ. Đây là những dự án có khối lượng công việc đồ sộ và yêu cầu công nghệ phức tạp, với mức đầu tư rất lớn, khoảng 150 triệu USD cho FSO Biển Đông và hơn 400 triệu USD cho FPSO Lam Sơn. Theo yêu cầu ban đầu của khách hàng, PTSC chỉ tham gia với vai trò nhà thầu thuê Bareboat và cung cấp dịch vụ O&M cho cả hai dự án.
Tuy nhiên, sau một thời gian theo đuổi và thực hiện một phần công việc, các nhà thầu cung cấp FSO/FPSO là BW Offshore (Na Uy) – FSO Biển Đông và Fred.Olsen Production/Marubeni (Na Uy/Nhật Bản) – FPSO Lam Sơn đều rút lui khỏi dự án vì nhiều lý do. Đây đều là các nhà thầu lớn, có kinh nghiệm và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực cung cấp, vận tải và khai thác FSO/FPSO. Việc rút lui của các nhà thầu này đã thực sự đẩy tất cả các bên liên quan vào tình huống hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén trong việc nhận ra cơ hội kinh doanh tiềm ẩn phía sau những khó khăn thách thức này, sau khi nhận được sự chấp thuận của Đảng ủy, Hội đồng Quản trị, lãnh đạo PTSC vẫn quyết định thuyết phục Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tin tưởng vào năng lực có thể tiếp quản của PTSC, vừa phải tìm kiếm các đối tác góp vốn, thu xếp vốn cho dự án. Phải nói đó là một khối lượng công việc rất lớn nhưng PTSC đã nỗ lực giải quyết khó khăn để thúc đẩy dự án FSO Biển Đông trong khoảng thời gian hết sức gấp rút.
Việc PTSC tiếp quản những dự án trọng điểm này trong bối cảnh nhà thầu nước ngoài bỏ cuộc và vẫn cam kết tiếp tục triển khai theo đúng yêu cầu đề ra đã đảm bảo quyền lợi của nhà điều hành mỏ và sản lượng khai thác theo đúng kế hoạch của PetroVietnam và đặc biệt là nâng cao uy tín cũng như vị thế của PTSC trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp FSO/FPSO.
Với những bước tiến nhanh, vững vàng và mang tính đột phá cả về quy mô cũng như phương thức kinh doanh, PTSC hiện đã làm chủ việc trực tiếp triển khai các dự án FSO/FPSO có quy mô lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực như kêu gọi đối tác góp vốn dựa trên uy tín của PTSC, huy động nguồn vốn vay quốc tế hàng trăm triệu USD với lãi suất thấp, quản lý dự án đa quốc gia/quốc tịch… PTSC đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ FSO/FPSO tầm cỡ trung bình trên thế giới, điều mà chỉ cách đây vài năm có lẽ ít người trong ngành hình dung được. Các dự án FSO/FPSO đều hoạt động liên tục, ổn định dài hạn từ 10 -15 năm, đem lại doanh thu, lợi nhuận, công ăn việc làm ổn định cũng như các dịch vụ phụ trợ thường xuyên, lâu dài cho PTSC. Đơn cử chỉ riêng với FSO Orkid, trong năm 2012 PTSC được chia cổ tức gần 12 triệu USD, đóng góp tích cực vào các kết quả sản xuất kinh doanh chung của Tổng công ty.
Sau thời gian đầu tư lớn theo đúng chiến lược và quyết tâm của lãnh đạo Tổng công ty, trong một vài năm tới khi toàn bộ 5 FSO/FPSO do PTSC đảm nhiệm đến giai đoạn chia cổ tức, chắc chắn người lao động và các cổ đông của PTSC sẽ được hưởng những thành quả hết sức ngọt ngào, xứng đáng với sự nỗ lực và bao tâm huyết mà chúng ta đã bỏ ra.
Đến nay, theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, loại hình dịch vụ FSO/FPSO đặc thù này đã trở thành một trong những dịch vụ cốt lõi của PTSC. PTSC đã thưc sự trở thành một nhà cung cấp dịch vụ FSO/FPSO có thương hiệu mạnh, uy tín trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khai thác mỏ trong nước và phát triển mạnh mẽ ra thị trường quốc tế.
PV