Ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, công nghệ thông tin là một trong những công cụ nâng cao sức cạnh tranh, góp phần thay đổi diện mạo của đất nước. Các nền tảng công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn đang hình thành nên xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực.
Phiên thảo luận về Giải pháp hạ tầng CNTT cho mô hình kinh doanh mới. |
Ông Khương cam kết, VCCI sẽ không đứng ngoài xu hướng phát triển và sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ, tư vấn và đào tạo doanh nghiệp ứng dụng CNTT.
Sự bùng nổ của Internet và xu hướng chuyển dần phương thức giao tiếp truyền thống sang phương thức giao tiếp điện tử buộc các đơn vị cơ quan, doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh và cách thức quản lý của mình trên nền tảng một hệ thống hạ tầng CNTT linh hoạt và đồng bộ.
Ông Phạm Vĩnh Thái, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Hewlett-Packkard Enterprise chia sẻ, doanh nghiệp truyền thống nếu không ứng dụng được CNTT để cạnh tranh thì cần đi theo mô hình Gartner, hay còn gọi là mô hình IT "lưỡng tính". Mô hình này vừa đảm bảo tính "bền, chắc" của hình thức kinh doanh truyền thống, lại vừa "mềm, dẻo" như hình thức kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp chạy kịp với sự phát triển vũ bão của CNTT.
Tại phiên thảo luận về "Giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin cho mô hình kinh doanh mới", ông Ngô Hồng Sơn, Viện trưởng Viện CNTT - trường Đại học Bách Khoa cho biết, mô hình Composable Infrastructure sẽ tăng tính hiệu quả của IT và tăng tốc quá trình cung cấp dịch vụ cho cả mô hình truyền thống và mô hình kinh tế ý tưởng.
Trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành hoạt động của các đơn vị cơ quan, doanh nghiệp. Việc ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành giúp tăng hiệu suất công việc cũng như giảm tối đa chi phí quản lý, hành chính, nhân sự.