Tái cơ cấu, giải quyết nợ xấu doanh nghiệp giao thông vận tải

Năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với phát triển thị trường, có sự chuyển biến tích cực, đột phá ngay từ đầu năm, tạo tiền đề vững chắc cho các doanh nghiệp phát triển bền vững trong giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo.


Theo đó, các doanh nghiệp triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, chú trọng vào tái cơ cấu mô hình tổ chức, tái cơ cấu các dự án đầu tư, tái cơ cấu nợ và coi công tác cổ phần hóa là then chốt để các doanh nghiệp đổi mới cơ chế quản lý, huy động vốn từ các cổ đông, giảm tỷ trọng nợ vay, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng công tác dự báo thị trường, xây dựng chiến lược, kế hoạch 5 năm và hàng năm, làm định hướng đúng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, thu gọn các đầu mối kinh doanh để đảm bảo khả năng kiểm soát, quản lý chặt chẽ hoạt động, tổ chức hạch toán, thống kê đầy đủ, thực hiện công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của đơn vị.


Đối với việc giải quyết nợ xấu, nợ đọng, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng chủ động, tích cực làm việc với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thuộc Bộ để hoàn thành việc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong quý I/2013, tập trung xử lý các khoản phải thu của khách hàng và hàng tồn kho, thanh lý các tài sản không cần dùng.

 

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán nợ cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng để giảm nợ xấu. Cùng với các giải pháp trên, doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng cần chủ động đánh giá lại hiệu quả vốn đầu tư, tăng cường công tác quản lý tài chính của công ty mẹ và các công ty thành viên để bảo toàn phát triển vốn; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng vốn điều lệ và giảm nợ vay; tăng cường mối quan hệ với các tổ chức tín dụng, đa dạng hóa hình thức thu hút vốn đầu tư bên ngoài vào, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm... Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa kinh doanh thua lỗ cần phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (Bộ Tài chính) để cơ cấu lại các khoản lỗ, các khoản đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.


Hồng Ninh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN