Trên thị trường hiện nay, với nhu cầu và sức mua của người dân tăng cao, các mặt hàng thực phẩm, đồ uống được bày bán khắp nơi, đa chủng loại, sắc màu. Bên cạnh những thương hiệu bánh kẹo, đồ uống quen thuộc và có uy tín trên thị trường còn có rất nhiều loại bánh kẹo, mứt, ô mai đồ uống không có nguồn gốc xuất xứ. Nhiều loại hàng hóa còn báo động về tình trạng hàng “ba không”: Không hạn sử dụng, không nơi sản xuất và không đăng ký chất lượng sản phẩm.
Gần Tết là thời điểm "lên ngôi" của các mặt hàng thực phẩm như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát. Lượng hàng được tiêu thụ trong khoảng thời gian 1-2 tháng trước Tết tăng gấp 3, gấp 4 lần so với nhu cầu bình thường. Đây cũng chính là thời điểm để các loại hàng nhập lậu, hàng tồn kho, hàng hết "date" và hàng nhái, hàng giả có cơ hội tuồn ra thị trường.
Vào thời điểm này, phố Hàng Buồm, Hàng Giầy, chợ Đồng Xuân… tràn ngập các loại bánh kẹo, ô mai, mứt… Người mua, kẻ bán nhộn nhịp. Màu sắc của các loại bánh kẹo, mứt và ô mai bày bán ở đây rất bắt mắt, phong phú cả về mẫu mã. Khảo sát các tuyến phố trung tâm bán các mặt hàng này và nhận thấy, bên cạnh những thương hiệu bánh kẹo quen thuộc và có uy tín trên thị trường, có đến 70% là các loại bánh kẹo, mứt, ô mai được nhập lậu qua biên giới. Hầu hết các loại bánh kẹo này đều là hàng “ba không”: Không hạn sử dụng, không nơi sản xuất và không đăng ký chất lượng sản phẩm. Tại các chợ Bình Tây (quận 6), chợ Tân Định (quận1), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM)…, nhiều mặt hàng trái cây khô, mứt dẻo, các loại hạt (hạt dưa, hạt bí, hạt điều, hạt dẻ cười…), bánh kẹo cũng trong tình trạng “ba không” được bày bán tràn lan và công khai.
Trên thị trường hiện còn có nhiều loại sản phầm đồ uống đóng chai được người bán hàng quảng cáo là hàng nhập khẩu với bao bì, kiểu dáng, màu sắc rất bắt mắt. Nhưng, quan sát kỹ thì có nhiều dấu hiệu không bình thường về nguồn gốc, xuất xứ: Người bán hàng giới thiệu là hàng Hàn Quốc nhưng có tiếng Trung Quốc; nhiều sản phẩm nhập khẩu không có nhãn tiếng Việt nên không rõ được sản xuất từ nguyên liệu gì, công dụng ra sao; nhiều sản phẩm thậm chí tìm “mỏi mắt” cũng không thấy ghi hạn sử dụng… Thắc mắc với người bán về loại kẹo được giới thiệu là kẹo Hàn Quốc nhưng chỉ có chữ Trung Quốc, chị bán hàng trả lời khó chịu: “Kẹo Hàn Quốc nhưng nhập qua Trung Quốc rồi nhập về Việt Nam nên mới có chữ Trung Quốc”. Người bán hàng cũng không thể lý giải rõ ràng về tình trạng hàng nhập mà không dán mác tên công ty nhập hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM cho biết: “Sở Y tế vừa lấy mẫu kiểm tra, phát hiện 3 mẫu hạt dưa và ớt bột có chất gây ung thư. Điều đáng nói là những mẫu này đều là các mặt hàng không có nguồn gốc rõ ràng. Để tránh tình trạng mua phải hàng kém chất lượng, người dân nên tìm mua các mặt hàng bao bì còn mới, đầy đủ nguồn gốc, hạn sử dụng, có thương hiệu, nếu là hàng nhập khẩu phải có phụ đề tiếng Việt”.
Mặc dù bánh kẹo, đồ uống nhập lậu , sản phẩm “ba không” liên tục được cảnh báo, khuyến cáo không nên sử dụng vì những tác hại khó lường đến sức khỏe nhưng mặt hàng này vẫn bán chạy bởi giá rẻ, nhìn bắt mắt. Nhất là trong dịp Tết, bánh kẹo, đồ uống nhập lậu có màu sắc vui mắt, giá rẻ có khi chỉ bằng 1/2 giá của các loại bánh kẹo có thương hiệu nên người buôn bán từ các tỉnh, các vùng nông thôn phần lớn đều lựa chọn những loại hàng này.
Trước thực tế nêu trên, các chuyên gia y tế và thị trường khuyến cáo, người tiêu dùng nên thân trọng khi lựa chọn hàng Tết. Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa có thương hiệu, có chất lượng uy tín của các DN sản xuất trong nước có uy tín để mua được sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết, doanh nghiệp thuộc các ngành hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như Tân Hiệp Phát (với mặt hàng đồ uống), Kinh Đô, Bibica (với mặt hàng bánh kẹo)… đã cam kết tăng lượng hàng phục vụ nhu cầu Tết. Sản phẩm của các doanh nghiệp này đã được phân phối ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa.
Hiếu Ngân