Tiếp cận đất đai vẫn là rào cản với doanh nghiệp

Theo kết quả điều tra của Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam và ý kiến của một số địa phương, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó bao gồm cả chi phí không chính thức cũng như luật định.

Theo ông Mạc Quốc Anh Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết, theo ghi nhận thì 5 năm qua đã có nhiều DN không đầu tư ở Hà Nội mà ra các tỉnh lân cận để thuê mặt bằng. Bên cạnh giá cả đắt đỏ thì mặc dù thông tin đất đai được cập nhật ở các website của sở, ngành nhưng người nắm thông tin chưa giải thích rõ ràng, cụ thể cho DN khiến DN chưa nắm được thông tin. Cùng với đó, nhiều thủ tục, chi phí chính thức và không chính thức làm rào cản cho DN.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, vướng mắc về đất đai lớn nhất đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là theo Luật Đất đai 2013, tất cả các dự án phát triển kinh tế thì phải tự thỏa thuận với người dân, chính sự thỏa thuận như vậy là rào cản với DN. 

Ruộng bỏ hoang trong khuôn viên Nhà máy gạch Cotto (Bắc Giang) do chưa thống nhất được giá đền bù giải phóng mặt bằng.

“Dự án càng lớn, sử dụng nhiều diện tích thì càng phải thỏa thuận với nhiều hộ dân, thỏa thuận với 2 – 5 hộ dân đã khó mà thỏa thuận với hàng trăm hộ dân thì càng khó khăn. Nhiều DN không thỏa thuận được với người dân đã phải dừng dự án vì không có mặt bằng sản xuất kinh doanh. Do đó, phải có cơ chế giải phóng, đền bù đất đai phải có cơ quan có thẩm quyền đứng ra chịu trách nhiệm”, ông Thập đề xuất.

Cùng với đó, theo ông Thập, mặc dù thủ tục đất đai đã được cải thiện nhưng vẫn tồn tại chi phí không chính thức liên quan đến vấn đề đất đai. Đây cũng là một trong những rào cản đối với DN. 

Theo kết quả điều tra PCI 2017 của VCCI, chỉ số tiếp cận đất đai bắt đầu giảm sau khi liên tục tăng trong suốt giai đoạn 2008 – 2013. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ diện tích đất trong tỉnh có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng đều từ 69% năm 2006 tới 92% năm 2016. Tuy nhiên, các tiêu chí còn lại cho thấy những tín hiệu không khả quan. Năm 2016, tình hình sử dụng đất theo đánh giá của doanh nghiệp trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Trong trường hợp xấu nhất nếu bị thu hồi, chỉ 25% DN tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng, giảm mạnh so với các năm trước (30 – 40%).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI khuyến nghị, để thúc đẩy hoạt động kinh tế, các địa phương nên chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, cải thiện tính minh bạch và nâng cao chất lượng đào tạo lao động. Ngoài ra, chính quyền cần cải thiện chỉ số cạnh tranh bình đẳng và giảm thiểu các chi phí không chính thức.
 
Cũng theo ông Tuấn, những cải thiện về đất đai sẽ góp phần thu hút DN. Cụ thể, tăng một điểm trong chỉ số tiếp cận đất đai hay đào tạo lao động sẽ giúp tăng thêm 12% doanh nghiệp mới đăng ký.
 
Bài và ảnh: Thu Trang
Công khai trường hợp chậm giải quyết sai phạm trong quản lý đất đai
Công khai trường hợp chậm giải quyết sai phạm trong quản lý đất đai

Văn phòng Bộ TN&MT cho biết, từ 1/4, Bộ sẽ công khai các trường hợp chậm báo cáo tình hình, kết quả giải quyết thông tin phản ánh về vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai đã gửi về địa phương giải quyết theo thẩm quyền trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và của Tổng cục Quản lý đất đai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN