Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ thứ năm lớn nhất trên thế giới, có nhu cầu đáng kể về máy móc và linh kiện chế biến gỗ. Vì thế, Triển lãm VietnamWood 2023 mong muốn sẽ đem lại những công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng gỗ tại Việt Nam, trong đó tập trung sản xuất công nghệ chế biến gỗ tự động nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, triển lãm VietnamWood cũng tập trung các giải pháp nhà máy thông minh, cụ thể giải pháp về việc nâng cấp và tích hợp máy móc vận hành độc lập thành dây chuyền sản xuất nhằm giảm tỷ lệ sản phẩm bị lỗi và tăng cường hiệu suất sản xuất tổng thể.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, từ đầu quý 3/2023 đến nay, tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đã đạt trên 1,1 tỷ USD sau thời gian sụt giảm. Các doanh nghiệp trong ngành cũng đang nhận được tương tác tích cực hơn từ đối tác mua hàng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới đã bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại hoặc tuyển thêm lao động. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Việt Nam có thể đạt được khoảng 6 tỷ USD, nâng tổng con số hơn 14 tỷ USD trong năm 2023.
Theo Ban tổ chức, VietnamWood 2023 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 23/9 tại Trung Tâm Hội Chợ và Triển Lãm Sài Gòn (SECC), quận 7. Bên cạnh hoạt động triển lãm, VietnamWood còn có chuỗi hội thảo công nghệ gỗ, tập trung vào 4 vấn đề chính liên quan đến ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện nay như: Sản xuất chủ động - vận hành giản đơn, nhà máy xanh hướng tới trung hòa Cacbon, sức khỏe thiết bị - bảo trì thông minh, EUDR và chuỗi cung ứng xanh.
Hội thảo sẽ là nền tảng quý giá để các chuyên gia chế biến gỗ tại Việt Nam cập nhật thông tin về các xu hướng và công nghệ mới, thích hợp để chuyển đổi, nâng cấp nhà máy, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong ngành và sản xuất đình trệ.