Từng bước hoàn thiện công nghệ sản xuất giống trong nuôi trồng thủy sản

Những năm gần đây, do ứng dụng thành tựu KH&CN hiện đại, ngành thủy sản đã tạo ra và từng bước hoàn thiện công nghệ sản xuất giống đối với một số đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá rô phi, cua biển, ốc hương, cá giò, cá song, tôm càng xanh...

Kiểm tra cá rô bố mẹ tại Trung tâm giống thủy đặc sản Nam Định. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Ngành cũng đã ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến để chọn tạo đàn bố mẹ có đặc tính kháng bệnh, tăng trưởng nhanh đối với cá tra, cá rô phi, hàu, tôm sú; làm chủ công nghệ sản xuất giống và công nghệ nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống như cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, cá điêu hồng, cá lóc.... Ngành thủy sản bước đầu đưa ra công nghệ sản xuất giống một số đối tượng mới, có giá trị kinh tế cao và bảo tồn nguồn gen như cá hô, cá chiên, cá lăng, hải sâm cát, tu hài, bào ngư, ngán, tôm tít, mực nang, tôm mũ ni...

Ngành thủy sản cũng bước đầu tạo ra công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số đối tượng có giá trị kinh tế như cá hồi vân, cá tầm Sibiri, cá măng biển, hàu Thái Bình Dương, cá chim vây vàng, tôm hùm nước ngọt... góp phần hình thành nghề nuôi cá tầm, cá hồi ở Việt Nam. Đồng thời tạo ra các giải pháp quản lý nguồn nước, môi trường để giảm các tác nhân gây bệnh và hạn chế sự lây truyền dịch bệnh tại các vùng nuôi thủy sản cũng như tạo ra các công nghệ tẩy, rửa, xử lý các chất thải trong ao nuôi và cơ sở chế biến thủy sản. Việc ứng dụng KH&CN giúp ngành thủy sản tạo ra công nghệ chế biến thức ăn thô, thức ăn tổng hợp cho một số đối tượng thủy sản nuôi truyền thống và những đối tượng nuôi quan trọng.

Ngành đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ viễn thám để dự báo ngư trường. Bước đầu, thành công này đã đánh giá được biến động nguồn lợi và ước tính được trữ lượng nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, làm cơ sở cho quản lý khai thác và chỉ đạo sản xuất của ngành. Ngành cũng thiết kế mới và cải tiến công nghệ khai thác mực bằng lưới chụp mực bốn tăng gông, cá ngừ bằng lưới vây ở vùng biển xa bờ, cá đáy bằng lưới kéo đôi xa bờ, lưới rê hỗn hợp khai thác ở vùng biển xa bờ, kỹ thuật sử dụng ánh sáng cho nghề lưới vây xa bờ... Ứng dụng KH&CN trong ngành còn tạo ra quy chuẩn kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác theo các phương pháp khác nhau... phù hợp với điều kiện tàu cá Việt Nam.

Ứng dụng KH&CN đã giúp thiết kế và chế tạo một số loại máy móc, thiết bị phục vụ trên tàu khai thác thủy sản như máy tời thu, thả dây câu, tời thu lưới vây, tời thu lưới kéo, máy bắn câu, hệ thống trích lực từ máy chính; tạo ra công nghệ sản xuất vỏ tàu composite bằng khuôn rời, công nghệ tráng, phủ composite cho tàu vỏ gỗ; thiết kế được giàn phơi mực, tháo, lắp nhau cho tàu câu mực đại dương để tăng độ an toàn cho tàu; hệ thống sấy khô trên tàu; chế tạo hệ thống thiết bị phục vụ ao nuôi, phân loại, sơ chế, chế biến tôm sú, cá tra, mực...

Mai Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN