Ngày 28/9, ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành của FM Logistic Việt Nam (công ty cung cấp dịch vụ hậu cần đến từ Pháp) cho biết, tiềm năng phát triển lĩnh vực logistics của Việt Nam còn rất lớn. Hiện nay, Việt Nam đang được xem là một ứng viên sáng giá có thể trở thành trụ sở chính cho các trung tâm phân phối vùng, dịch vụ logictics tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nguyên nhân là do Việt Nam có vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, chi phí lao động và vận hành cạnh tranh, lợi thế sở hữu một di sản thương mại lâu đời, cùng quan hệ thương mại năng động với các nước láng giềng, càng nâng cao vị thế của Việt Nam với vai trò là một trung tâm hậu cần nổi bật ở châu Á.
"Xuất phát từ các lợi thế của ngành logistic Việt Nam, FM Logistic đã khánh thành trung tâm phân phối đa khách hàng hiện đại ở Bắc Tân Uyên, Bình Dương. Trung tâm này có diện tích trên 20.000 m2, khả năng mở rộng lên đến 50.000 m2, trang bị 78 cửa xuất nhập hàng, cùng các tính năng thiết lập an toàn và bảo mật cao nhất, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, quản lý, vận hành và phân phối đạt chất lượng cao, tối ưu hóa chi phí", ông Hamza Harti cho biết thêm.
Theo ông Hamza Harti, việc xây dựng mở rộng trung tâm phân phối này cho phép khách hàng của FM vừa có thể mở rộng quy mô hoạt động, vừa đảm bảo sự phát triển của khách hàng trong cùng một cơ sở. Đối với kho này, mặc dù mới đi vào vận hành từ tháng 4/2023, nhưng 20.000 m2 đầu tiên đã đầy khách thuê là các doanh nghiệp dịch vụ lớn tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, gần đây, ngành logistic của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc dựa trên 6 yếu tố cơ bản: Thủ tục hải quan; hạ tầng giao thông; nguồn nhân lực logistics; khả năng tiếp cận tuyến vận tải quốc tế; áp dụng công nghệ thông tin trong logicstics và đảm bảo giao hàng đúng hạn… Điều này đã đem lại cho khách hàng sự hài lòng về chất lượng dịch vụ logistics của Việt Nam. Hiện nay, trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về chỉ số hoạt động logistics toàn cầu, Việt Nam cũng đã tăng thêm 5 bậc (từ vị trí 53 lên vị trí 48); trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau 3 nước là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Đây là thành tích vượt bậc mà ngành logistics Việt Nam chưa từng đạt được trong 10 năm trước.
Để đạt được những mục tiêu hướng đến phát triển trở thành trung tâm logistic tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam cần cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống trung tâm logistics; khuyến khích đầu tư và phát triển dịch vụ logistics, gồm cả hoạt động của trung tâm logistics chuyên dụng gắn với cảng hàng không, kho hàng không kéo dài có yêu cầu riêng về an ninh, an toàn kiểm tra, giám sát hải quan. Đặc biệt, Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, tăng cường sử dụng dịch vụ cung ứng bởi các trung tâm logistics nhằm giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị phần và quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các trung tâm logistics.