Tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta. Mục tiêu của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Phóng viên Báo Tin tức Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Biên (ảnh) - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về vấn đề này.
Thưa ông, Vinacomin là một trong những tập đoàn sớm thực hiện việc thoái vốn ở 4 doanh nghiệp ngoài ngành. Đến nay kết quả như thế nào?
Vinacomin là doanh nghiệp nhà nước với chức năng khai thác, chế biến, cung cấp nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành công nghiệp lớn như: Nhiệt điện, xi măng, phân bón, giấy, hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng...
Hiện nay, Vinacomin đang tập trung đầu tư lĩnh vực kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện lực, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí mỏ với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính không lớn và chúng tôi đã từng bước thoái vốn đầu tư ngoài ngành ở một số doanh nghiệp từ hai năm qua.
Cụ thể là: Công ty cổ phần Vonfram Đắk Nông, Công ty cổ phần bất động sản Hà Tây, Công ty cổ phần Cảng Hà Tĩnh và Công ty cổ phần quốc tế Long Thành. Ở cả 4 công ty mà Vinacomin thoái vốn đều là những đơn vị đang hoạt động có hiệu quả, nên việc thoái vốn vẫn bảo toàn được vốn Nhà nước.
Bốc xúc, vận chuyển đất đá tại khai trường công ty Than Cọc Sáu. Ảnh: Đình Trân - TTXVN |
Việc thoái vốn của Vinacomin có khó khăn gì khác biệt so với các tập đoàn khác, thưa ông?
Hiện nay Vinacomin đang tham gia đầu tư ra ngoài tập đoàn ở một số lĩnh vực như: Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và hạ tầng (ngoài ngành) với tổng số vốn đầu tư 617 tỷ đồng, bằng 2% vốn chủ sở hữu, trong đó lĩnh vực ngân hàng, Vinacomin chỉ đầu tư vào một ngân hàng lớn: 318 tỷ đồng, đang hoạt động và có cổ tức tốt. Hiện Vinacomin đang làm các thủ tục để thoái vốn tại các công ty này.
Do mức độ tham gia vốn của Vinacomin đầu tư ngoài ngành thấp, cho nên việc thoái vốn sẽ không quá phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay do khủng hoảng kinh tế, việc rút vốn phải đảm bảo thu hồi đủ vốn đã đầu tư và có hiệu quả gặp khó khăn, nên tiến trình thoái vốn phải thực hiện trong thời gian dài hơn.
Trong năm 2012, Vinacomin dự kiến sẽ thoái xong vốn ở lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đường cao tốc BIDV. Năm 2013-2014 sẽ thoái vốn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực còn lại.
Lộ trình cổ phần hóa của Vinacomin hiện đang được triển khai như thế nào?
Trong những năm qua, tập đoàn đã thực hiện một cách nghiêm túc và thành công nhiệm vụ đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý theo tinh thần Thực hiện “Nghị quyết Trung ương 3 Khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước" và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả sản xuất kinh doanh tăng cao, so với năm 2005 (năm mới thành lập tập đoàn) thì năm 2011 nộp ngân sách nhà nước tăng gấp 10 lần, đạt 16,5 ngàn tỷ đồng, doanh thu tăng 6 lần, lợi nhuận hàng năm đạt từ 3 ngàn đến 8 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng gấp 6 lần, hệ số nợ /vốn chủ sở hữu 2,3 lần (quy định không quá 3 lần)… Ngoài ra còn bù giá than cho các hộ trong nước những năm trước và nay là hộ điện với tổng số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, góp phần bình ổn giá thị trường, đóng góp cho ngân sách các địa phương nơi doanh nghiệp của Vinacomin hoạt động (trong đó 40% GDP, 60-70% số thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh).
Các cơ chế quản lý được hoàn thiện mà trọng tâm là khoán quản chi phí đã tạo ra hiệu quả và tích tụ vốn cho tập đoàn, đảm bảo công khai, minh bạch; nhiều năm nay, Vinacomin đã sử dụng kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn quốc tế, hàng năm đánh giá hệ số tín nhiệm theo chuẩn mực quốc tế (Moody’s và Standard and Poor).
Tuy hiện nay, trước bối cảnh suy thoái chung của kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành than đang đứng trước những khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm, giá bán than thế giới giảm mạnh, đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, việc làm và thu nhập của trên trăm ngàn công nhân và an sinh xã hội vùng mỏ.
Do đó, Vinacomin đã chủ động có các giải pháp quyết liệt trong tình thế đặc biệt để khắc phục khó khăn, đồng thời có các văn bản báo cáo kịp thời tới các bộ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét tháo gỡ về giá bán than cho điện (vì than bán cho điện năm 2012 còn thấp hơn giá thành khoảng 8 ngàn tỷ đồng) và thuế xuất khẩu than (vì sau khi trừ các loại thuế, phí đối với than xuất khẩu hiện nay gần 40% thì Vinacomin không bù đắp được chi phí) nhằm ổn định sản xuất tạo điều kiện cho ngành than vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển.
Hiện nay, Vinacomin đã cổ phần hóa được 50 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó có 34 doanh nghiệp Vinacomin nắm giữ cổ phần chi phối trên 50% vốn điều lệ, 14 doanh nghiệp Vinacomin nắm giữ cổ phần không chi phối và 2 doanh nghiệp được bán hết cổ phần cho nhà đầu tư, Vinacomin không nắm giữ cổ phần. Mục tiêu của Vinacomin là tiếp tục đổi mới, sắp xếp, nói cách khác là tái cơ cấu để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, làm tốt hơn vai trò, chức năng được Đảng và Nhà nước giao phó.
Chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện cổ phần hóa tập đoàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... Theo đó đối với các tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa. Tiếp tục cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên hoặc doanh nghiệp phụ thuộc công ty TNHH một thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: Điều tra, khảo sát, thăm dò địa chất; vận tải, xếp dỡ than và hàng hóa; đầu tư phát triển nhà và hạ tầng phục vụ công nhân mỏ...
Tiếp tục thoái vốn theo lộ trình (trước mắt thoái vốn đến 36% để nắm giữ tỷ lệ cổ phần phủ quyết, sau đó thoái toàn bộ vốn vào thời điểm thích hợp) đối với các công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, du lịch, tin học, cơ khí nhỏ lẻ... Đối với các công ty liên kết có vốn đầu tư dài hạn của Vinacomin: Tập đoàn chỉ tham gia góp vốn đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn, những dự án góp vốn bằng thương hiệu của tập đoàn, còn lại sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp khác theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành việc thoái vốn trước năm 2015.
Đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị nguồn lực doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, minh bạch đặc biệt cơ chế khoán quản chi phí, điều hành kế hoạch phối hợp kinh doanh và đầu tư đổi mới công nghệ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Vậy với một tập đoàn liên quan đến tài nguyên và số lao động nhiều, theo ông nên cổ phần hóa như thế nào cho hiệu quả?
Mục tiêu chung của Vinacomin là “Xây dựng và phát triển Vinacomin giàu mạnh – thân thiện – hài hòa”. Việc thực hiện đổi mới, tái cơ cấu tập đoàn phải đáp ứng các yêu cầu: Có tính đến bối cảnh dài hạn với lộ trình, bước đi phù hợp và giải pháp thực hiện khả thi, hiệu quả. Đảm bảo không gây biến động lớn đến đội ngũ và tác động lớn có tính tiêu cực đến đời sống của người lao động. Đảm bảo ổn định sản xuất và đáp ứng nhu cầu than, khoáng sản và các sản phẩm thuộc trách nhiệm chính của tập đoàn. Việc tái cơ cấu, sắp xếp lại mô hình các công ty con đảm bảo tính kế thừa, phát huy được những ưu điểm của mô hình tổ chức sản xuất đã phát huy được hiệu quả trong 17 năm qua, phù hợp với mô hình tăng trưởng và tiến bộ trong kỹ thuật, công nghệ và tài nguyên trong các năm tới.
Mô hình tăng trưởng của Vinacomin được xác định là: “Thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở đi đôi với phát triển theo chiều rộng tăng cường phát triển theo chiều sâu bằng cách áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại và đẩy mạnh chế biến sâu tạo ra các chuỗi sản phẩm trên nền sản xuất than – khoáng sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả”. Đi đôi với phát triển quy mô, phạm vi và địa bàn kinh doanh sẽ giảm bớt các đầu mối do Vinacomin trực tiếp quản lý trên cơ sở tập trung hóa theo hướng các tổng công ty chuyên ngành hoặc vùng trong các lĩnh vực khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp,...
Tập đoàn giữ vai trò trung tâm, lãnh đạo, quản lý và chi phối hoạt động của các công ty con theo quy định của pháp luật nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất của tập đoàn và của từng công ty con. Các quan hệ kinh tế phát sinh giữa tập đoàn và công ty con, công ty liên kết, công ty tự nguyện tham gia tập đoàn, được thể hiện bằng hợp đồng kinh tế.
Sắp xếp tinh gọn mô hình tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng phát triển, xây dựng Tổ hợp công ty mẹ - công ty con tập đoàn Công ngiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trở thành Tổ hợp các công ty công nghiệp mỏ - luyện kim có tầm cỡ trong khu vực, trong đó tập trung cho nhiệm vụ số 1 của tập đoàn là đảm bảo cung cấp đủ than theo Quy hoạch phát triển ngành than mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Xây dựng công ty mẹ - Vinacomin trở thành một doanh nghiệp vừa sản xuất - chế biến - tiêu thụ than, vừa thống nhất quản lý thị trường để điều hành kế hoạch phối hợp kinh doanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa là nhà đầu tư tài chính hiệu quả vào các công ty con thông qua nắm giữ tỷ lệ vốn điều lệ.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Viết Tôn(thực hiện)