Nguồn cung mặt bằng bán lẻ được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, do chính sách mở cửa đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi theo quy định của pháp luật, từ 1/1/2011, Việt Nam đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tự mở các doanh nghiệp bán lẻ mà không cần đối tác trong nước, phù hợp các cam kết với WTO.
Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các chuỗi bán lẻ quốc tế với kinh nghiệm chuyên nghiệp và khả năng tài chính dồi dào như Lotte, Parkson sẽ xuất hiện nhiều, dẫn tới việc có thể gây nhiều áp lực đối với những nhà bán lẻ trong nước...
70% thu nhập dành cho chi tiêu
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã có những điều kiện cần thiết để duy trì mức độ tiêu dùng cao như lượng dân số trẻ dưới 30 tuổi chiếm đến 57% tổng dân số, tăng trưởng kinh tế ổn định, xu hướng tiêu dùng cao cấp, ưa chuộng các thương hiệu ngoại nhập và thậm chí xa xỉ của người dân ngày càng gia tăng. Tính trung bình, người dân Việt Nam chi tiêu đến 70% thu nhập của mình. Vì thế, các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ bán lẻ đã chiếm một lượng lớn không gian mặt bằng được thuê.
Đối với vị trí kinh doanh mặt bằng bán lẻ, ở Hà Nội nhìn chung các khu vực hoạt động tốt nhất tập trung tại các quận cũ như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa, song vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các khu vực mới ở phía Tây (Cầu Giấy, Từ Liêm) và Hoàng Mai, Đông Anh. Các mặt bằng còn trống tại khu vực trung tâm là rất ít do khu vực này luôn được xem như điểm đến mua sắm truyền thống, nhất là với các thương hiệu sang trọng. Do vậy, giá thuê đạt mức rất cao, có thể lên đến 150 USD/m2/tháng tại một vài địa điểm quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngược lại, các trung tâm bán lẻ mới cùng phân khúc tại các quận ngoại vi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc lấp đầy mặt bằng, ngay cả khi họ chào giá thuê thấp hơn đáng kể.
Theo thống kê của Colliers, tính đến hết quý 1/2011, Hà Nội đã có hơn 420.000 m2 diện tích mặt bằng bán lẻ, trong đó 39% thuộc về các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm và chỉ 3% đến từ khối đế bán lẻ (phần diện tích chân đế của các tòa nhà). Tuy vậy, những khối đế bán lẻ này lại là tâm điểm của lĩnh vực, thu hút các thương hiệu cao cấp nhất, đặt tại các tòa nhà nổi tiếng và có mức giá thuê cao nhất.
Mức độ hấp dẫn về đầu tư đang giảm xuống
Về nguồn cung tương lai, các chuyên gia dự báo là sẽ tăng mạnh trong tương lai. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi theo quy định của pháp luật, từ 1/1/2011, Việt Nam đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tự mở các doanh nghiệp bán lẻ mà không cần đối tác trong nước, phù hợp với các cam kết với WTO.
Điều này, như nói trên, sẽ đồng nghĩa với việc các chuỗi bán lẻ quốc tế với kinh nghiệm chuyên nghiệp và khả năng tài chính dồi dào xuất hiện như Lotte, Parkson, Big C, Metro Cash & Carry và FamilyMart… có thể gây nhiều áp lực đối với những nhà bán lẻ Việt Nam. Bởi vậy, cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đang tìm cách thành lập hoặc mở rộng thêm nhiều cơ sở, khiến nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng thêm đáng kể. Rõ ràng, thị trường bán lẻ Việt Nam đã từng đạt tới mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, báo cáo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2010 của Công ty tư vấn AT Kearney cho thấy mức độ hấp dẫn về đầu tư mặt bằng bán lẻ của Việt Nam đang giảm xuống. Việt Nam từng đứng đầu danh sách về chỉ số này vào năm 2008, sau đó giảm xuống hạng 6 trong năm 2009 và xa hơn, hạng 14 vào 2010. Đây là một trong những sụt giảm lớn nhất trong danh sách kể trên. Mặt khác, Việt Nam cũng đã qua giai đoạn đỉnh cao trong phân tích cơ hội đầu tư, đồng nghĩa với việc "mảnh đất" này vẫn được cân nhắc đối với các nhà đầu tư quốc tế, nhưng không còn là ưu tiên hàng đầu.
Bất chấp một số dự báo về dư cung mặt bằng trung tâm thương mại (TTTM) tại Hà Nội vài ba năm tới, mới đây, Vincom - một tên tuổi lớn trong phát triển bất động sản cao cấp vừa gây xôn xao làng bán lẻ khi tuyên bố sẽ tiếp tục dốc tổng lực đầu tư vào mảng này, thậm chí với một quy mô cực lớn. Đây là sự mạo hiểm hay một toan tính khôn ngoan?
Tự tin nắm bắt cơ hội
Trong 5 năm tới, Vincom sẽ phát triển thêm hơn 1 triệu m2 sàn trung tâm thương mại (TTTM) trên toàn quốc, chiếm 2/3 trong số này là ở thị trường Hà Nội. Cụ thể, Vincom sẽ bổ sung thêm vào tổng cung bán lẻ thủ đô ít nhất trên 500.000 m2 TTTM từ 4 dự án mới công bố tại các quận Thanh Xuân (200.000 m2 tại Vincom Mega Mall dự án Royal City), Hai Bà Trưng - Hoàng Mai (230.000 m2 tại Vincom Mega Mall tại Times City), Long Biên (Vincom Center Long Biên) và Đống Đa với Vincom Center Đống Đa.
Đáng chú ý là cả 4 dự án này đều chuẩn bị “bung hàng” trong 1-3 năm tới, cùng thời điểm khai trương của khá nhiều dự án TTTM hoành tráng khác. Khi ấy cạnh tranh thu hút khách giữa các TTTM sẽ rất gay gắt, không ít ý kiến bi quan còn dự đoán, vài năm tới sẽ có TTTM buộc phải chuyển đổi công năng.
Không nao núng trước những thách thức, ông Lê Khắc Hiệp – Chủ tịch HĐQT Vincom chia sẻ: “Tôi cho rằng, cạnh tranh giữa các TTTM thời gian tới sẽ không dựa trên yếu tố giá cả, mà chủ yếu ở chất lượng dịch vụ và sự độc đáo, khác biệt. Bằng thực tế đang quản lý điều hành 2 TTTM tại Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi không chỉ tập trung cho hoạt động mua bán mà hướng đến là một tổ hợp đa chức năng, một không gian mua sắm - giải trí đẳng cấp”.
Sự tự tin của ông Hiệp xuất phát từ chính thực tế phát triển và trưởng thành của Vincom. Những năm 2000, TTTM trong mắt người Việt thường chỉ được hiểu một cách khá hẹp là nơi mua sắm đơn thuần các mặt hàng cao cấp, sang trọng, thời trang… Do vậy, khi sự háo hức qua đi, các TTTM trong mắt người tiêu dùng chỉ là các “chợ cao cấp” dành cho những khách hàng nhiều tiền. Giữa lúc các nhà kinh doanh mặt bằng bán lẻ hiện đại đang bối rối thì sự xuất hiện của tòa tháp đôi Vincom năm 2004 với rất nhiều dịch vụ phi mua sắm như ăn uống, vui chơi, giải trí, hệ thống chiếu phim hiện đại đi kèm ngay lập tức trở thành một hiện tượng. Dù ban đầu nhiều người cũng hoài nghi về hiệu quả và cho rằng nhu cầu của người Hà Nội chưa cao đến thế nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại.
Trong chiến lược phát triển nhằm mục tiêu trở thành “ông vua” kinh doanh mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam, Vincom tập trung phát triển mạnh vào không gian mua sắm - giải trí quy mô cực lớn với mô hình mở gấp nhiều lần mô hình hiện tại. Với chiến lược phát triển này, trong vòng 5 năm tới, Vincom dự định sẽ phát triển khoảng 10 TTTM lớn, với tổng diện tích khoảng hơn 1 triệu m2, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ là chuỗi TTTM lớn và đẳng cấp nhất Việt Nam; đồng thời nằm trong top dẫn đầu về TTTM trong khu vực… Chuỗi TTTM được định vị theo 2 dòng thương hiệu là Vincom Center và Vincom Mega Mall. Trong đó, nếu Vincom Center là các trung tâm mua sắm cao cấp có diện tích dưới 100.000 m2 tại các vị trí đắc địa, trung tâm thì Vincom Mega Mall sẽ là các “siêu TTTM” với một không gian mua sắm - giải trí hết cỡ trên 100.000 m2.
Đặc biệt, hai tổ hợp Vincom Mega Mall tại khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng - Hoàng Mai) và Royal City (quận Thanh Xuân) - dự kiến được khai trương vào năm 2013, có tổng diện tích sàn hơn 430.000 m2, bằng cả tổng cung mặt bằng bán lẻ của Hà Nội hiện thời, hứa hẹn là điểm vui chơi, thư giãn lý tưởng với quần thể sân trượt băng, thủy cung, công viên nước, rạp chiếu phim, thế giới game, chuỗi nhà hàng ẩm thực, điểm trông trẻ...
“Là một doanh nghiệp nhạy bén, Vincom đã nhanh chóng phát hiện ra nhu cầu cấp thiết cần có các điểm vui chơi giải trí hiện đại, quy mô tại Hà Nội và chọn các dịch vụ phi mua sắm làm động lực phát triển mới cho các TTTM trong tương lai. Rõ ràng, việc tích hợp các nhu cầu vui chơi, ăn uống, giải trí trong các trung tâm lớn không chỉ tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn, mà ngược lại, còn bổ trợ rất hữu hiệu cho các hoạt động kinh doanh, mua sắm. Chuỗi thương hiệu TTTM của Vincom sẽ là nơi mang đến cho người dân Việt Nam (đặc biệt là cư dân đô thị) và du khách nhiều hơn một địa điểm mua sắm đơn thuần mà là sự trải nghiệm mua sắm và thư giãn hoàn toàn mới. Với hơn 1 triệu m2, bằng khoảng 1/4 tổng diện tích mặt bằng bán lẻ dự kiến đến năm 2015 (khoảng 5 triệu m2), chúng tôi mong muốn khẳng định một thương hiệu Việt uy tín và đẳng cấp về phát triển BĐS cao cấp nói chung và phát triển TTTM nói riêng; đồng thời hy vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu về thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam, cùng với người dân Việt hình thành một văn hóa mua sắm mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong sẽ góp phần đưa Việt Nam chúng ta trở thành một địa chỉ mới, hấp dẫn về du lịch mua sắm trong khu vực…”, ông Hiệp chia sẻ thêm.
Rõ ràng, bước đi tiên phong này của Vincom không phải là sự mạo hiểm nhất thời, mà là một chiến lược bài bản, mang tầm nhìn dài hạn. Nhà phát triển dự án này đã không dừng lại ở ý tưởng, mà bằng kinh nghiệm, tiềm lực của mình, đang nỗ lực hiện thực hóa để nhanh chóng trở thành thương hiệu dẫn đầu trong phát triển chuỗi bán lẻ tại VN.
P.V