Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2015, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào chiều 26/12.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Giá Rai, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Giảm do yếu tố cung - cầu thị trường
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm 2015 ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2014. Thủy sản Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 164 thị trường trên thế giới.
Tuy nhiên, trong năm 2015, tất cả thị trường này đều có kim ngạch xuất khẩu giảm, dao động từ 3-27% so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ ASEAN tăng 8%.
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội VASEP nhận định, chưa bao giờ cả ba mặt hàng xuất khẩu thủy sản chính là tôm, cá tra và cá ngừ đều đồng loạt giảm như năm nay.
Nếu trong năm 2014, xuất khẩu tôm là điểm sáng duy nhất đem lại kết quả kỷ lục 4 tỷ USD thì năm 2015 xuất khẩu tôm chỉ đạt con số 3 tỷ USD, giảm 25% so với năm ngoái. Trừ mặt hàng cá biển tăng 5%, xuất khẩu tất cả các sản phẩm chính khác đều giảm từ 3-25% so với năm 2014.
Cũng trong năm 2015, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho chế biến trong nước ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn tổng thể, nguồn cung nguyên liệu cho chế biến tính cả nhập khẩu và sản xuất trong nước đều tương đương với năm 2014, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại giảm sâu.
Lý giải về điều này, theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2015, nền kinh tế thế giới suy thoái khiến nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường chính giảm đã tạo ra vòng xoáy giảm giá cho hầu hết các mặt hàng nông thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản cao cấp. Sự biến động của các đồng ngoại tệ so với USD, thuế chống bán phá giá, các hàng rào kỹ thuật… cũng đã tác động mạnh đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2015.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, nếu kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm mạnh chỉ do giảm giá thì không đáng lo lắm. Vì đó là do yếu tố cung – cầu thị trường thế giới quyết định, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quy luật này. “Nếu trong năm 2015, xuất khẩu thủy sản thụt lùi về lượng thì đó mới là vấn đề.
Bởi nó thể hiện sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta ở một số thị trường đã có sự thụt lùi. Rất may, trên thực tế thủy sản Việt Nam đã giữ được sản lượng xuất khẩu tương đương với năm ngoái.”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, việc giá trị xuất khẩu giảm gần 15% là hồi chuông báo động để ngành thủy sản Việt Nam phải nhìn lại, phải cùng nhau xây dựng chiến lược toàn diện trong bối cảnh cạnh tranh của ngành với các nước ngày càng gay gắt.
Vẫn còn khó khăn từ “gốc” đến “ngọn”
Theo ông Ngô Văn Ích, kết quả xuất khẩu sụt giảm của năm 2015 là hệ lụy tất yếu của một quá trình tăng trưởng không chắc chắn, không bền vững mà từ lâu đã được phân tích, nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đó là sự ổn định về quy hoạch vùng nguyên liệu được định hướng lâu dài; việc kiểm soát chất lượng trên toàn chuỗi sản xuất và hoạt động ổn định của doanh nghiệp bảo đảm công ăn việc làm cho công nhân, lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho rằng, khó khăn nhất của ngành thủy sản hiện nay là tình trạng chưa kiểm soát được dư lượng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng và chế biến. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương hơn trong việc kiểm soát vấn đề này.
Nếu thực hiện nghiêm ngặt vấn đề này, sản lượng thủy sản có thể giảm, nhưng chất lượng sản phẩm sẽ được cải thiện tốt hơn, đảm bảo uy tín của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo phân tích của chuyên gia, trong năm 2016, những cơ hội từ các FTA mang lại cho ngành thủy sản chỉ mới là bước đầu và doanh nghiệp có tận dụng được hay không là một vấn đề khá lớn. Trong khi đó, những khó khăn do hội nhập đem lại như các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, dư lượng kháng sinh, hóa chất, giá thành sản xuất cao… vẫn luôn là thách thức lớn đối với ngành hàng này.
“Theo tiếp cận chuỗi sản xuất đi từ trại giống, thức ăn, thuốc thú y, vùng nuôi, hệ thống xử lý nước, nhà máy chế biến..., chúng ta đang thả nổi hoặc nếu có quy định thì chưa chặt chẽ hoặc không quản lý sát xao ở một số công đoạn. Điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho việc truy xuất nguồn gốc theo quy định bắt buộc hiện nay của các thị trường thế giới.”, ông Ngô Văn Ích cho biết.
Về mặt khí hậu, Việt Nam cũng đang ở đỉnh điểm El-nino lớn nhất từ 1997 khiến sản xuất nông nghiệp với đối mặt với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, nắng nóng, mưa bất thường… ngày càng căng thẳng, khiến sản lượng thủy sản không ổn định.
Mặt khác, Việt Nam vẫn trong vòng xoáy giảm giá nông sản, sự biến động tiền tệ, thuế chống bán phá giá cá tra, chương trình giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ… tiếp tục ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Mặc dù, còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên theo dự báo của VASEP trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,12 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2015. Các mặt hàng tôm, mực, bạch tuộc, cá biển và các hải sản khác sẽ có mức tăng trưởng khá trong năm tới.