Cuộc gặp quy tụ gần 400 khách, cùng 50 diễn giả, chuyên gia đến từ đa dạng lĩnh vực công và tư nhân, những quỹ đầu tư uy tín như Dynam Capital, Vietnam Holdings, VinaCapital…
Các khách mời đã cùng thảo luận về những thách thức và cơ hội phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, thông qua lăng kính ESG.
Phát triển bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu và là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Tuy nhiên, bền vững và "xanh hoá" là một quá trình lâu dài và thử thách. Quá trình này diễn ra như thế nào? Cần những nỗ lực và cam kết từ các bên ra sao? Đó chính là nội dung của 5 chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất xuyên suốt hai ngày của cuộc gặp, bao gồm: Đảm bảo nguồn đầu tư thông qua lăng kính ESG; Đầu tư vào khử cacbon và chuyển đổi năng lượng; Đầu tư vào lực lượng lao động và lãnh đạo; Tận dụng các nguồn lực quốc tế để phát triển thị trường carbon; Tài chính và Doanh nghiệp tác động Xã hội/Môi trường.
Tại thị trường Việt Nam, hai lĩnh vực tiềm năng nhất để thu hút đầu tư ESG là Y tế và Năng lượng sạch, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng thiếu điện sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng mùa hè.
Với tham vọng loại bỏ dần việc sản xuất điện chạy bằng than vào năm 2040 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chi phí cho lộ trình khử carbon của Việt Nam từ nay đến năm 2040 được ước tính lên tới 3 tỷ USD. Việt Nam có tiềm năng to lớn về tạo tín chỉ carbon, nhưng đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi và khung pháp lý để hướng dẫn phát triển thị trường carbon.
Đặc biệt, một phần không thể thiếu trong lộ trình tăng trưởng bền vững của Việt Nam là đầu tư vào lực lượng lao động và lãnh đạo doanh nghiệp.