Vay tiêu dùng, mua sắm tài sản, sửa nhà, xây dựng nhà ở… là những nhu cầu thiết thực, chính đáng của người dân và cán bộ công chức. Tuy nhiên, thay vì tìm đến ngân hàng, một số người dân vẫn tìm đến những công ty dịch vụ tài chính trá hình, chưa được cấp phép để vay vốn. Với chiêu thức chỉ cần chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu (bản photo), không cần tài sản thế chấp, các tổ chức “Tín dụng đen” đã khiến nhiều người gật đầu chấp thuận vay với lãi suất cao gấp nhiều lần so với Ngân hàng. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với các cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp với lãi suất rất cao nhằm thu lợi bất chính. Và khi Khách hàng vay chưa trả được nợ, những tổ chức đó bắt đầu đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Nhiều vụ việc mất an ninh trật tự, thậm chí gây thương tích, tử vong không chỉ xẩy ra trên địa bàn Hà Tĩnh mà còn diễn ra trên khắp địa bàn cả nước…thời gian qua báo chí đã nêu là những bài học đắt giá. “Tín dụng đen” diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân.
Nhằm hạn chế “Tín dụng đen" trên địa bàn Hà Tĩnh, thời gian qua, Agribank Hà Tĩnh đã bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn của Agribank trong công tác tín dụng. Agribank Hà Tĩnh cũng đã xác định đối tượng vay vốn mà “tín dụng đen” hướng đến là những người dân có các nhu cầu vay tiêu dùng, các món vay nhỏ, lẻ. Do đó, Chi nhánh đã thực hiện một số giải pháp tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: Phối hợp chính quyền địa phương các cấp, tổ chức Hội nông dân, Hội phụ nữ, tổ vay vốn để thông tin, quảng bá các chủ trương, chính sách cho vay nhằm hạn chế tối đa “tín dụng đen”; Đổi mới cách tiếp cận khách hàng, công bố các hồ sơ thủ tục vay vốn, thời gian vay vốn tại tất cả các điểm và phòng giao dịch; Bố trí hòm thư góp ý tại các trụ sở UBND xã, phường, niêm yết số điện thoại, đường dây nóng để người dân dễ dàng nắm bắt các chủ trương, chính sách trong hoạt động cho vay cũng như phản ánh kịp thời các tồn tại, vướng mắc.
Bên cạnh đó, Agribank Hà Tĩnh tiếp tục mở rộng cho vay tiêu dùng, trong đó tập trung vào cho vay các nhu cầu: cho vay các chi phí phục vụ cho việc học tập, mua sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình, mua ô tô trả góp, sửa chữa nhà ở và các nhu cầu thiết thực, chính đáng của người dân.
Agribank Hà Tĩnh cũng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị định 116 sửa đổi bổ sung Nghị định 55 về đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nông thôn, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm tài sản lên mức 200 triệu đồng, hồ sơ thủ tục đơn giản nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông nghiệp nông thôn có đủ vốn sản xuất, phục vụ tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Bằng các biện pháp trên, Agribank Hà Tĩnh thực sự là địa chỉ tin cậy của khách hàng, là người bạn đồng hành của nhà nông. Nhờ nguồn vốn của ngân hàng, nhiều người dân đã có cơ hội thoát nghèo, nhiều doanh nghiệp có đồng vốn để mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thông qua triển khai các hoạt động cụ thể, Agribank Hà Tĩnh là một trong những ngân hàng đã góp một phần không nhỏ trong việc đầy lùi tín dụng đen trên địa bàn Hà Tĩnh.