Agribank gắn bó với tam nông
Agribank đã triển khai hiệu quả những chương trình tín dụng chính sách phục vụ tam nông, góp phần đưa nông nghiệp nước nhà khởi sắc. Với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển Nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững, Agribank cho vay đến 100% số xã trên cả nước.
Agribank đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như đẩy mạnh cho vay đối với hộ gia đình và cá nhân thông qua tổ vay vốn, tổ cho vay lưu động, dịch vụ ngân hàng lưu động, cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…
Đối với sự ổn định, phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đảng luôn chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của người nông dân. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ban hành trong đó có Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Agribank đã tổ chức những hội nghị quán triệt, học tập Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ướng khóa X để triển khai chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Agribank đã kịp thời ban hành những cơ chế, quy định, quy trình nghiệp vụ cụ thể để chỉ đạo hoạt động tín dụng của Agribank theo đúng nội dung và các giải pháp của Nghị quyết 26-NQ/TW gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng thương mại nhà nước trong đầu tư tín dụng, phát triển kinh tế xã hội.
Agribank là đơn vị đi đầu, nghiêm túc trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu chính sách đề ra. Hiện nay, Agribank chiếm thị phần khoảng 40% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn toàn ngành ngân hàng.
Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với những chính sách về mở rộng đối tượng đầu tư, tăng mức đầu tư đối với khách hàng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã tập trung đầu tư vốn tín dụng cho tất cả các khách hàng là doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân kinh doanh thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2016 – 2020 dư nợ nông nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 13,7%/năm, tỷ trọng dư nợ nông nghiệp nông thôn trong tổng dư nợ nền kinh tế của toàn hệ thống duy trì ở mức gần 70%.
Trong nhiều năm qua, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chủ yếu tập trung vào các hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn hoặc sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiếp đó là các doanh nghiệp, dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 19-20%. Agribank tập trung cho vay thu mua và xuất khẩu lúa gạo, trồng cà phê, chế biến và xuất khẩu nông sản, thủy hải sản…
Giai đoạn 2016 – 2020, doanh số cho vay ngành lúa gạo của Agribank đạt gần 250.000 tỷ đồng, dư nợ tăng đều qua các năm, đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của cả nước. Dư nợ cho vay lúa gạo đến 2020 đạt 23.651 tỷ đồng với trên 52.000 khách hàng, chiếm tỷ trọng 2.81% trên dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 10%; cho vay cà phê dư nợ đến 2020 là 24.048 tỷ đồng với trên 70.000 khách hàng, chiếm tỷ trọng 4,% trên dư nợ nông nghiệp nông thôn, bình quân tăng trưởng trên 11,8%/năm, trong đó 84,7% dư nợ cho vay cà phê tập trung trong lĩnh vực trồng, chăm sóc cây cà phê…
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tốc độ tăng trưởng tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chậm lại so với năm 2019. Thực hiện thông tư 01/TT-NHNN và Thông tư 03/TT-NHNN Agribank đã ban hành các văn bản về hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Agribank triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng năm 2020 và năm 2021 nâng lên 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Agribank thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ khi dịch bùng phát đến nay, Agribank đã chung tay cùng ngành ngân hàng giảm chỉ tiêu lợi nhuận 6.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Agribank với chương trình phát triển nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững
Ông Tiết Văn Thành - Thành viên hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank cho biết: "Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững, từ cuối năm 2011, Agribank đã triển khai cho vay thí điểm xây dựng nông thôn mới tại 11 xã và đã triển khai rộng khắp trên cả nước đến 100% số xã.
Đến 31/12/2020, Agribank triển khai cho vay gần 9000 xã với doanh số trên 2.862.225 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 2.824.047 tỷ đồng, dư nợ là 567.579 tỷ đồng. Nguồn vốn Agribank cho vay xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn".
Từ nguồn vốn Agribank, các dự án điện, đường, trường, trạm được triển khai; các hộ gia đình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập, ổn định cuộc sống. Cũng từ nguồn vốn Agribank, những vùng chuyên canh sản xuất nông sản được hình thành và mang đến diện mạo mới cho nền nông nghiệp nước nhà: Vùng cây ăn quả ở Bắc Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, vùng lúa xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cây cà phê ở Tây Nguyên…
Với việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và thông tư 06/2009/TT-NHNN quy định chi tiết về chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2018 của Chính phủ, Agribank đã triển khai sâu rộng, hiệu quả.
Giai đoạn 2009 – 2016, dư nợ và số lượng khách hàng theo chương trình này tăng đều qua các năm, dư nợ tăng gấp 8 lần, số lượng khách hàng tăng gấp 3 lần so với thời điểm bắt đầu vào năm 2009.
Việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn vốn hỗ trợ của Agribank đã đóng góp một phần cho việc phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, qua đó tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững.
Cùng với quyết tâm của Đảng và Nhà nước, bằng những hành động cụ thể, Agribank luôn thể hiện sự gắn bó đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ những người kém may mắn trong xã hội, góp phần cùng ngành Ngân hàng thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, Agribank không ngừng triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, đặc biệt những khách hàng vùng sâu vùng xa. Agribank ký kết Nghị quyết liên tịch số 2308/NQLT/1999 với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Liên tịch số 02/NQLT-2000 với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam về việc thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Từ năm 2010 đến năm 2020 dư nợ cho vay qua tổ vay vốn tăng dần qua các năm, đặc biệt năm 2013 đánh dấu sự tham gia tích cực của các tổ chức hội khác ngoài hội phụ nữ và hội nông dân, dư nợ cho vay qua tổ vay vốn tăng trưởng nhanh và ổn định. Trong giai đoạn 2016-2020, Agribank đã ký 5.726 thỏa thuận hợp tác về cho vay qua tổ với các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có 2.028 thỏa thuận đã được ký với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.
Từ năm 2020 đến nay, mặc dù do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng dư nợ cho vay qua tổ vẫn đạt mức tăng trưởng tốt với gần 8%/năm. Mô hình cho vay qua tổ vay vốn đã phát huy hiệu quả trong việc cho vay, thu nợ, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, thẩm định dự án vay vốn, giải ngân, quản lý dư nợ… đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nhiều đơn vị có sự kết hợp hiệu quả giữa cho vay qua tổ nhóm với mô hình dịch vụ ngân hàng lưu động. Dịch vụ ngân hàng lưu động của Agribank là kênh dẫn vốn hiệu quả tới vùng sâu vùng xa, thuận tiện cho khách hàng và góp phần quan trọng giảm tín dụng đen…
Trong suốt quá trình phát triển hơn 33 năm và đặc biệt trong 15 năm đưa Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X vào cuộc sống, Agribank đã thể hiện rõ vai trò và vị thế quan trọng của mình đối với sự phát triển của tam nông. Thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân, Agribank đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho từng gia đình, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội đất nước.