Vẫn còn điểm nghẽn môi trường
Trái với cảnh biển thơ mộng trong tầm mắt, mỗi khi thủy triều xuống, người dân thị trấn Cát Bà thường bị bắt gặp phải bịt mũi, đeo khẩu trang vội vã lướt nhanh qua trục đường bên Vịnh trung tâm. Tình trạng nước thải đen ngòm, bốc mùi từ dưới cống lên mặt đường cũng khiến nhiều du khách tá hỏa “bỏ chạy” khi ghé thăm khu vực quảng trường Cát Bà.
Thực tế, vấn nạn này đã được phản ánh nhiều năm về trước, song đến nay, ô nhiễm mùi vẫn chưa được cải thiện.
“Quang cảnh rất đẹp nhưng dưới cầu cảng nhiều rác trôi nổi, mùi hôi thối bốc lên, có thể từ các cống thải ra. Từ khu trung tâm trở về khu Tùng Dinh rất nhiều cống thải, buổi tối đi hóng mát, chúng tôi cũng ngửi thấy mùi hôi khó chịu”, ông Phạm Văn Lĩnh - quê Hải Dương, sống ở Cát Bà hơn 10 năm cho biết.
Còn theo anh Đỗ Anh Tuấn, người kinh doanh du lịch lâu năm ở Cát Bà, có tình trạng mùi hôi phát ra từ khu vực Vịnh, đặc biệt những tháng đông khách càng khó tránh vấn đề này.
Không chỉ nước thải, do vị trí địa lý đặc thù, với diện tích mặt biển của các Vịnh khoảng trên 7.000 ha, Ban quản lý (BQL) các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà cho biết, mỗi ngày huyện đảo phát sinh 100 tấn rác thải (số liệu 2020) từ 3 nguồn rác chủ yếu: rác thải sinh hoạt và các hoạt động du lịch; rác cơ học trôi dạt từ biển và các vùng lân cận; rác đặc thù từ thiên nhiên của vịnh như cây cối, thảm thực vật. Theo ghi nhận, các bãi rác hiện tại của đảo đều trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm. Các bãi rác được xây dựng lâu, xuất phát điểm ban đầu đều là các bãi đổ rác tạm.
Trước diễn biến thời tiết đặc biệt, hiện tượng bãi biển ngập rác, hay hàng chục mét khối rác thải bất ngờ trôi dạt vào vùng vịnh Cát Bà không ít lần xảy ra. Chưa kể, Cát Bà hiện nay vẫn duy trì quá nhiều phương tiện thô sơ, xe cá nhân hoạt động trên đảo, gây tình trạng tắc đường, tắc phà mỗi dịp cao điểm, ảnh hưởng đáng kể trải nghiệm vui chơi du khách và chất lượng không khí trên đảo do khói bụi.
Du lịch Cát Bà sau 8 tháng năm 2024 đã đón khoảng 2,8 triệu lượt khách, bằng 130% so với cùng kỳ, đạt 76% kế hoạch năm. Trong đó có 732 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu trên 2.500 tỷ đồng, đạt gần 78% kế hoạch 2024.
Hiện tại, nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão Yagi, hoạt động du lịch đang từng bước được khôi phục tại đảo Cát Bà và vịnh Lan Hạ. Nhưng trong tầm nhìn xa hơn, Cát Bà ngay từ lúc này cần có động thái giải bài toán phát triển hạ tầng đẳng cấp, đầu tư thêm trải nghiệm, sản phẩm mới.
Lối đi nào để vươn tầm quốc tế
Theo Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Hải Phòng cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế.
Bất chấp lộ trình phát triển hướng tới trở thành trung tâm du lịch quốc tế, ô nhiễm môi trường đặt ra thách thức cho hòn ngọc của Vịnh Bắc Bộ. Dù trước đó, một loạt định hướng để phát triển Cát Bà Xanh cũng đã được đặt ra. Ví như xây dựng quy chế quản lý giao thông trên đảo với mục đích không sử dụng các phương tiện giao thông có động cơ đốt trong hoạt động, chỉ sử dụng cáp treo và các loại xe điện làm phương tiện giao thông chủ yếu trên đảo để đưa đón khách du lịch.
Theo GS.TS Đỗ Công Thung, Cát Bà chắc chắn phải trở thành một khu du lịch xanh, một trong những khu du lịch tầm cỡ quốc tế, nổi bật của Việt Nam bởi tiềm năng từ hệ sinh thái và đa dạng sinh học không đâu có được.
“Do đó, việc sử dụng hệ thống cáp treo, xe taxi điện thì tôi cho đây là định hướng rất tốt. Nhưng nên có một định hướng khuyến khích các doanh nghiệp lớn liên kết với nhau, tạo thành một quần thể du lịch xanh của Cát Bà. Tôi cho rằng phải có sự đồng lòng, đồng sức của chính quyền, doanh nghiệp thì mới có thể thành công”.
Mới đây, Cát Bà tiến gần hơn tới nỗ lực nâng cấp cảnh quan khu vực Vịnh trung tâm và chất lượng hạ tầng dịch vụ trên đảo với việc khởi công Khu Du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà. Dự án do Công ty TNHH xây dựng dân dụng Phú Quốc (thành viên Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư có quy mô hơn 45.7 ha, tổng mức đầu tư lên tới 12.495 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch trên ý tưởng đưa Cát Bà thành một “tiểu Maldives của châu Á” với tâm điểm là quảng trường trung tâm, bãi tắm nhân tạo công cộng tiêu chuẩn quốc tế, các tuyến phố đi bộ cùng chuỗi dịch vụ sôi động hai bên.
Dự án được kỳ vọng sẽ bổ sung các dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm, hội nghị… nhằm thu hút khách đến với quần đảo Cát Bà, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo các chuyên gia, việc phát triển dự án đô thị, cảnh quan phục vụ du lịch cũng là cách để đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm. Xuất phát từ lợi tích thiết thực đôi bên, phía doanh nghiệp và chính quyền sẽ cùng nhau chung tay để mang lại không gian sống xanh sạch cho người dân và du khách.
Ông Bùi Văn Bình - Phó GĐ Ban QL ĐTXD Huyện Cát Hải cho biết, để hướng tới xây dựng Cát Bà xanh sạch đẹp, UBND Huyện đã giao cho Ban QL ĐTXD làm chủ đầu tư dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực hồ Tùng Dinh, phấn đấu hoàn thành trước Tết nguyên đán 2025.
Góp ý kiến về vấn đề này, GS.TS Đỗ Công Thung nhấn mạnh, giải quyết tình trạng ô nhiễm thực chất liên quan đến nhiều giải pháp, không chỉ nằm ở việc xây dựng nhà máy xử lý.
“Chúng ta phải làm sao xác định được sức tải về du lịch, từ đó mới có kế hoạch phát triển du lịch phù hợp. Cố gắng làm sao hạn chế các loại xe phát thải ô nhiễm. Còn giải pháp xây dựng các nhà máy xử lý rác thải thì nhất định phải có, mà phải làm nhanh, quy mô hơn, công nghệ tốt hơn”, GS.TS Đỗ Công Thung thẳng thắn chia sẻ.
Ông Thung cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp nên trích một phần kinh phí thu được từ du lịch để Cát Bà tái tạo môi trường. Ngoài ra câu chuyện về ý thức của du khách cũng cần được quan tâm, siết chặt. Rõ ràng, mục tiêu đưa Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc tế không chỉ dừng lại ở danh hiệu giúp tiếng tăm vang xa mà còn cần hướng tới môi trường xanh sạch, dịch vụ trải nghiệm đẳng cấp quốc tế mới mong đem lại nguồn doanh thu bền vững.