Mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, mở thêm ngành nghề đào tạo mới…đó là chủ trương kịp thời, phù hợp của lãnh đạo nhà trường nhằm đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu mới của công tác đào tạo nghề từ khi được nâng cấp thành trường cao đẳng. Nhờ vậy, quy mô đào tạo ban đầu chỉ từ 800 đến 1.200 học sinh, sinh viên (HSSV) nay đã lên tới 3.000 đến 3.500 HSSV mỗi năm với các ngành nghề chủ yếu: Cơ khí, Công nghệ ô tô, Điện, Điện tử, May, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy lạnh & điều hòa không khí.
Hiện nay, nhà trường đang thực hiện đào tạo ở cả ba cấp trình độ: Cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề với các hình thức đào tạo đa dạng: đào tạo tại trường, đào tạo tại chỗ, đào tạo theo hợp đồng với các doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ… Bên cạnh đó, trên cơ sở chương trình khung của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhà trường thường xuyên gắn kết với doanh nghiệp trong việc tổ chức biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung nội dung cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Nhận thức được vai trò của đội ngũ giáo viên trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, những năm qua, trường CĐN CN Thanh Hóa đã chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Trong đó, chú trọng việc đào tạo lại, đào tạo cao hơn, chuyển đổi chuyên môn phù hợp với ngành nghề, cập nhật được với kiến thức khoa học và công nghệ mới… Hiện nay, trong tổng số 183 cán bộ viên chức nhà trường có 1 tiến sỹ, 81 thạc sỹ, 86 đại học, 73 giáo viên đạt chuẩn kỹ năng nghề bậc 3, chuẩn tin học và ngoại ngữ quốc gia, B1 châu Âu.
Đặc biệt, nhà trường luôn chú trọng tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp trong việc giới thiệu HSSV đi thực tập, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Hiện nay, nhà trường có mối liên hệ mật thiết với gần 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. HSSV nhà trường được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay trong lễ bế giảng với mức lương bảo đảm và luôn được đánh giá cao về kỹ năng nghề cũng như kỷ luật lao động. Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp không những tạo “đầu ra” cho sản phẩm đào tạo, tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp mà còn nắm bắt thông tin yêu cầu từ các doanh nghiệp có trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến, tạo cơ sở để đổi mới, điều chỉnh mục tiêu đào tạo, đáp ứng đòi hỏi đa dạng của thị trường lao động mới đang hình thành.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trường nhà trường cho biết: “Trong đào tạo nghề, cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong quá trình chuyển đổi từ đào tạo những gì nhà trường có sang mục tiêu đào tạo những gì xã hội cần, điều mà nhiều người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp mong muốn là cái bắt tay chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Học phải đi đôi với hành. Với cách đào tạo này, trên 85% HSSV của nhà trường sau tốt nghiệp có tay nghề vững có thể được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp. Đây là cách làm hiệu quả, giúp HSSV có “đầu ra” thuận lợi hơn và góp phần tạo nên thương hiệu, uy tín của nhà trường”.
Với hướng đi đúng và trên cơ sở những kết quả đạt được, trường CĐN CN Thanh Hóa đang hướng tới mục tiêu đưa quy mô đào tạo năm sau cao hơn năm trước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, cung cấp cho thị trường lao động trong và ngoài nước.