Xu thế toàn cầu
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), số lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu năm 2018 đã vượt lên mốc 1,4 tỷ lượt khách, tăng 74 triệu lượt so với năm 2017. Dự báo đến năm 2030, số lượng khách du lịch đạt 1,8 tỷ lượt. UNWTO cũng nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm tới 54%. Tuy nhiên, nhiều nhu cầu mới sẽ hình thành. Du khách ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Đặc biệt là xu hướng phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Các chuyên gia đánh giá, sự phát triển, thay đổi của xu hướng các loại hình du lịch trên thế giới đã có những tác động lớn đối với du lịch Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng cho rằng, phát triển du lịch xanh đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và các sản phẩm du lịch xanh luôn được du khách quan tâm, đón nhận. Đã đến lúc phải nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của du lịch xanh trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” tại Việt Nam.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn “Du lịch xanh” làm chủ đề chính tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội tháng 6/2019 vừa qua. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, việc lấy “Du lịch xanh” làm chủ đề chính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, người dân cùng đưa du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
Việt Nam hội nhập
Thực tế, không phải cho đến bây giờ, xu thế du lịch xanh gắn với bảo tồn sinh thái mới được hình thành tại Việt Nam. Từ nhiều năm trước, khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo đã kết hợp với vườn quốc gia Côn Đảo phục hồi nhiều bãi đẻ trứng để bảo tồn rùa biển. Theo đó, một số ổ trứng trên 12 bãi biển được đưa về ấp tại resort này giúp cho trứng và rùa con được chăm sóc tốt, giảm thiểu tối đa nguy hiểm từ môi trường bên ngoài. Hoạt động thả rùa về biển ở đây thu hút được sự quan tâm của các du khách, đặc biệt là các em nhỏ.
Ngay từ khi thành lập cách đây 14 năm, khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge tại Sa Pa đã đưa ra hình thức “lưu trú xanh”. Toàn bộ những ngôi nhà trong khu du lịch đều sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Đến đây, du khách sẽ được dùng một loại dầu gội đầu và sữa tắm đặc biệt không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Nằm trên đỉnh Bà Nà, Đà Nẵng, khách sạn Mercure Danang French Village Bana Hills tạo ấn tượng đặc biệt với du khách bằng những nỗ lực trong công tác gìn giữ môi trường, tái chế các loại xà phòng đã qua sử dụng của khách sạn, gây quỹ cho trẻ em nghèo hay mở quán café “Le Planet 21” mang thông điệp bảo vệ môi trường.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Đà Nẵng là một ví dụ điển hình cho cách làm du lịch xanh. Ngày 12/10/2019, lần thứ hai, khu nghỉ dưỡng được World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á – châu Đại Dương vinh danh: “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất châu Á”. Năm ngoái, vẫn InterContinental Danang đã giành cả hai giải thưởng mới của WTA: “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất châu Á” và “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới”.
Nằm ẩn mình trên những thảm xanh của bán đảo Sơn Trà, khu nghỉ dưỡng này như một điểm nhấn nối liền rừng già và biển cả. Ở đây, thiên nhiên là chủ thể quan trọng nhất. Một cái cầu thang gỗ được bẻ gấp khúc hàng trăm lần, chỉ để nhường chỗ cho những gốc cây trên lối đi. Một chuyên gia động vật học được mời về làm việc, để mang tới khách nghỉ những trải nghiệm về thiên nhiên và văn hóa. Hệ thống đèn LED thông minh và hệ thống máy dò chuyển động được trang bị khắp nơi, để giảm thiểu lượng khí thải cacbon. Mọi nhân viên đều được huấn luyện liên tục để biết cách làm giảm các mối đe dọa đến đời sống quần thể động vật trên bán đảo.
“Các tour tham quan cho khách và nhân viên được thiết kế để tăng cường sự hiểu biết về những thách thức trong việc bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, và quần thể động thực vật cần được bảo vệ tại Sơn Trà. Bên cạnh đó, toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc bán các hình mẫu đồ chơi voọc chà vá chân nâu sẽ được tặng lại cho các tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ.
Gần đây, chúng tôi đã dừng việc sử dụng cà phê chồn để bảo vệ động vật. InterContinental Danang còn nhiều kế hoạch khác, như xây dựng cầu cho các cá thể động vật quý hiếm và cải thiện việc bảo vệ rừng, đảm bảo quần thể thiên nhiên tại đây được bảo tồn an toàn” - ông Juan Losada - Tổng giám đốc khu nghỉ đã chia sẻ về những dự án, kế hoạch xanh độc đáo đó, sau khi InterContinental Danang nhận giải thưởng toàn cầu năm ngoái.
Có thể sẽ mất nhiều giấy mực, để liệt kê cho hết những gì mà các điểm đến, các cơ sở du khách, khách sạn, resort… ở Việt Nam đang làm, để hòa vào xu thế xanh của thế giới. Nhưng điều đó cũng đủ cho thấy rằng, rất nhiều doanh nghiệp làm du lịch ở Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn lớn, các thương hiệu nổi tiếng, đều coi việc giữ gìn môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên là mục tiêu sống còn, để có thể phát triển bền vững. Cũng dễ hiểu, nếu không bảo vệ thiên nhiên, chính họ sẽ tự làm xấu đi hình ảnh của mình, của du lịch Việt Nam.