Đa dạng hình thức hỗ trợ
Gia đình chị Đặng Thị Xuân (SN 1978) người dân tộc Dao ở xóm Ngọc Mỹ, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên là một trong những hộ dân đã được thụ hưởng dự án hỗ trợ đa dạng hoá sinh kế, cải tạo và nâng cao chất lượng cây chè, thuộc chương trình MTQG về Giảm nghèo bền vững.
Chị Xuân cho biết: "Gia đình tôi trước đây thuộc hộ ghèo lâu năm, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, hoặc ai thuê gì làm nấy, thu nhập bấp bênh, quanh năm đói khổ. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tháng 11/2023, gia đình tôi được lựa chọn để tham gia chương trình tập huấn về cây chè, do cán bộ xã tổ chức.
Đều đặn hàng tuần, chị cùng con gái đến trụ sở Ủy ban xã để tham gia lớp học do cán bộ khuyến nông xã trực tiếp giảng dạy. Tại đây, mẹ con chị Xuân đã được cập nhật nhiều kiến thức bổ ích như: Chọn đất trồng tại khu vực đất phải đảm bảo dốc thoải và thoát nước, diện tích phải thoáng mát, không bị che bóng bởi những loài cây lá rộng. Trước khi trồng chè nên trồng rải rác các loài cây như Keo dậu, Muồng các loại… có tác dụng cải tạo đất và che bóng cho chè về sau.
Về cách chăm sóc cây, dự trữ một lượng giống chè để trồng dặm bằng 10% số cây đã trồng. Thường trồng dặm vào tháng 8-9 và 2-3, chọn ngày râm mát, đất đủ ẩm để trồng. Để phòng trừ cỏ dại, phủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh... để hạn chế cỏ dại, xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ Xuân tháng 1-2 và vụ Thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.
Ngoài được tập huấn, gia đình còn được Nhà nước hỗ trợ trên 1 tấn phân đạm, lân cho các hộ tham gia lớp học. Bên cạnh đó, cán bộ xã cũng thường xuyên đến nhà hướng dẫn cách trồng chè, bón phân sao cho đạt năng suất chất lượng cao. Nhờ vậy, đến nay, chưa đầy một năm, cây chè của gia đình đã cho thu hoạch và đạt sản lượng, chất lượng tốt.
Theo chị Xuân, hiện nay chè đang được thương lái thu mua với giá 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg, thời điểm được giá nhất là từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Chè khi được hái sẽ có thương lái đến tận nhà thu mua, không cần phải vất vả mang ra chợ bán, nhờ đó gia đình chị cũng có thêm khoản thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thông qua những bài giảng sát với thực tế, gia đình chị đã áp dụng với diện tích trồng chè 9 sào ngay gần nhà. Chị Xuân cho biết: Ở tuổi này đi học cũng thấy ngại, nhưng có con gái đi cùng, nhờ con ghi chép, rồi từ những kiến thức học được từ trên lớp, áp dụng vào thực tế gia đình thấy hiệu quả hơn rất nhiều so với cách trồng và chăm sóc cây chè trước đây.
Mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho bà con
Xã Tân Linh, huyện Đại Từ, có tổng diện tích chè là 599ha, với sản lượng chè135 tạ/ha/năm. Trên địa bàn xã có 5 làng nghề chè, trong đó có1 làng nghề chè truyền thống, 4 làng nghề chè khác, gồm 2 HTX, 22 tổ hợp tác, 2 vùng sản xuất chè tập trung.
Các mô hình sản xuất chè đã tạo sự nhận thức, chuyển biến tích cực của người dân từ việc canh tác, sản xuất, kinh doanh theo lối truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật; gắn sản xuất kinh doanh với bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và có tính thị trường, tăng cao thu nhập, định hướng phát triển bền vững.
Những thành công trong phát triển sản xuất nông nghiệp đang tạo động lực trong quá trình xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã Tân Linh đã giảm từ 7,1% năm 2023 xuống còn 4,4% năm 2024, hộ cận nghèo giảm từ 7,54% xuống còn 5,4%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch xã Tân Linh, huyện Đại Từ cho biết: Cây chè đưa vào trồng ở xã Tân Linh đã từ lâu. Quá trình trồng, chăm sóc và chế biến chè, người dân luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con từ khâu trồng, đốn, tỉa cành, đến bón phân, thu hái, bảo quản sản phẩm.
Gia đình chị Trần Thị Liên, ở xóm 10, xã Tân Linh, là 1 trong 72 hộ nghèo của xã Tân Linh được nhận phân bón thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Chị Liên tâm sự: "Nhận thấy cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi dần những diện tích đất đồi trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè tập trung. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được cán bộ huyện, xã đến vận động tham gia mô hình trồng thí điểm cây chè; được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đến nay, cây chè cho thu hoạch ổn định, sản lượng trung bình mỗi lứa thu được trên 5 tạ chè búp tươi. Từ trồng chè, mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu nhập tốt hơn, cuộc sống của gia đình đã dần ổn định, từng bước thoát nghèo".