Theo ông Võ Văn Thanh, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, với cách làm sáng tạo, phù hợp cùng quyết tâm vượt khó khăn, 5 tháng qua dòng vốn tín dụng ưu đãi vẫn được duy trì thông suốt khắp vùng đất rộng lớn Nam Tây Nguyên. Giữa đại dịch COVID-19, 18.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ vùng sâu, vùng xa các huyện Đơn Dương, Đam Rông, Đạ Teh… đến cao nguyên Di Linh, Bảo Lộc đã được vay 694 tỷ đồng đầu tư vào thâm canh ruộng vườn, trồng cây công nghiệp, rau quả xanh, phát triển chăn nuôi bò sữa, trâu sinh sản, khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan... Số tiền vay ưu đãi trong mùa dịch của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng đã góp phần nâng tổng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn lên 3.9 tỷ đồng; tăng 274 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Nguồn vốn chính sách ở Lâm Đồng vẫn tăng trưởng giữa đại dịch COVID-19 bởi những người làm quản lý, điều hành công tác tín dụng chính sách trên cao nguyên luôn tập trung huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn để phục vụ kịp thời người nghèo và các đối tượng chính sách.
Thời gian qua, cùng với việc khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn Trung ương cấp, NHCSXH Lâm Đồng chủ động tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các nguồn lực để tạo vốn chính sách ưu đãi cho đồng bào. Chi nhánh đã được UBND tỉnh, huyện, xã chuyển trên 252 tỷ đồng vốn ngân sách để ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ngoài ra, đơn vị còn tích cực thực hiện việc huy động từ các ban ngành, đoàn thể, nhân dân, bổ sung nguồn vốn chính sách cho vay hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Vào tháng 4 vừa qua, với sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, NHCSXH Lâm Đồng tổ chức thành công ngày “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Sự kiện đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ, hội viên các đoàn thể và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia gửi tiền tiết kiệm gần 28 tỷ đồng. Ngày “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” mang ý nghĩa tiếp tục duy trì nguồn vốn chính sách lan tỏa trên vùng đất Lâm Đồng, tạo điều kiện cho NHCSXH phục vụ người nghèo hiệu quả hơn.
Đặc biệt dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng nguồn vốn chính sách vẫn không ngừng chảy đến các đối tượng thụ hưởng, thông qua mạng lưới Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp toàn tỉnh, xuống tận các xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Điều dễ nhận thấy, từng Điểm giao dịch xã ở Lâm Đồng ngày nay đã được sắp xếp, phân chia thời gian giao dịch, cụ thể của từng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho phù hợp, đồng thời có thông báo chính xác thời gian giao dịch đến các tổ, các khách hàng biết, tạo sự chủ động về thời gian đến giao dịch với ngân hàng tại Điểm giao dịch xã. NHCSXH các huyện, thị xã cũng phối hợp chặt chẽ với UBND xã thực hiện đầy đủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế như kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách, không tập trung đông người trong cùng một thời điểm, địa điểm… trong suốt quá trình giao dịch. Cách làm nghiêm túc, sáng tạo đó không những phòng tránh lây nhiễm, đảm bảo an toàn sức khỏe, tiền của cho người nghèo, khách hàng truyền thống của NHCSXH, mà còn tạo điều kiện cho ngân hàng chuyển vốn nhanh đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Từ nguồn vốn chính sách, hầu hết hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên Lâm Đồng được vay nhiều tiền hơn, sản xuất đúng thời vụ và đạt kết quả kinh tế rõ rệt, cuộc sống nâng cao không ngừng. Nhiều thôn xã khởi sắc, thoát ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn, điển hình như xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, với hơn 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhờ đồng vốn chính sách làm “bà đỡ”, đã giảm nhanh hộ nghèo từ 27% năm 2018 xuống 9,2% cuối năm 2020 và về đích nông thôn mới trước kế hoạch một năm.
Vùng đất Nam Tây Nguyên đang chuyển động mạnh mẽ có phần đóng góp quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách. Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để góp phần cùng ngành ngân hàng, cùng địa phương thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.