“Kiềng ba chân” - Phương án tích lũy dài hạn vì một tương lai an toàn tài chính
Thực tế cho thấy, an toàn tài chính và an sinh xã hội cho người lao động luôn là vấn đề hết sức cấp thiết trong bối cảnh đời sống ngày càng có nhiều biến động. Trái lại, việc đạt được mục tiêu an toàn tài chính dường như rất nan giải đối với phần lớn hộ gia đình Việt Nam, đặc biệt là sau các biến cố không lường trước như COVID-19 vừa qua.
Vậy nên, trước những thách thức và biến động khó lường có thể ảnh hưởng đến nguồn thu nhập cũng như sức khỏe tài chính của người lao động, đặc biệt là khi thực trạng già hóa dân số ngày càng gia tăng tại Việt Nam, tích lũy dài hạn và có kế hoạch sớm chính là phương án tối ưu để giảm bớt áp lực tài chính trong tương lai. Từ đó người lao động có thể yên tâm tận hưởng từng phút giây trong cuộc sống hiện tại.
Nhận định về phương án này, ông Trần Thanh Phong - Phó Tổng giám đốc Marketing - Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam cho biết: “Đối với những quốc gia tiên tiến mà tập đoàn Prudential có mặt luôn tồn tại một “kiềng 3 chân” gồm: Bảo hiểm Xã hội – Bảo hiểm Y tế - Bảo hiểm Nhân thọ. Nếu một người mà tham gia đủ 3 bảo hiểm này thì họ sẽ cảm thấy khá an toàn về chuyện tài chính và an tâm khi họ nghĩ đến tuổi nghỉ hưu.”
Mặt khác, nhiều quan điểm cho rằng chỉ cần tham gia BHXH – BHYT là đã đủ để bảo vệ sức khỏe và tài chính của người lao động. Nhưng thực chất, khi tập trung xây dựng tấm lá chắn đa tầng cho bản thân bằng cách tham gia đủ 3 loại bảo hiểm, trong đó có BHNT ngay từ khi còn trẻ thì lợi ích đến với người lao động sẽ càng lớn hơn, trước nhu cầu đảm bảo cuộc sống luôn được duy trì và sau này tránh phụ thuộc vào nguồn thu nhập, sự chăm sóc của người khác dù có xảy ra bất kỳ biến động gì.
Thách thức trước mắt sớm được giải quyết
Trải qua 4 đợt dịch COVID-19 tại Việt Nam, không ít các hộ gia đình và người lao động đều rơi vào cảnh túng thiếu do phát sinh nhiều vấn đề về sức khỏe, bị cắt giảm công việc và thu nhập trong khi vật giá “leo thang” vì khan hiếm hàng hóa,... Đây chính là những vấn đề khiến người lao động luôn đứng ngồi không yên khi nghĩ về chất lượng cuộc sống hiện tại và cả sức khỏe tài chính sau này, vì biến số xã hội luôn là điều rất khó dự đoán.
Những thách thức này càng trở nên nghiêm trọng hơn hết khi Việt Nam đang đối mặt với một vấn đề cấp thiết đó là quá trình già hóa dân số. Theo kết quả nghiên cứu được công bố bởi Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), chỉ trong vòng 15 năm tới dân số Việt Nam sẽ chuyển sang dân số già, tức là trung bình cứ 4 người sẽ có 1 người trên 60 tuổi.
Mặt khác, như điều bất thành văn, trọng trách kinh tế và tài chính luôn đè nặng lên đôi vai người lao động “trụ cột” trong hầu hết các hộ gia đình tại Việt Nam. Nghịch lý là, tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh trong khi rất nhiều người vẫn chưa hề có sự chuẩn bị cho cuộc sống độc lập tài chính sau này.
Theo kết quả nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” được thực hiện vào năm 2021 bởi Viện KHLĐ&XH và Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học với sự hỗ trợ của Prudential, mặc dù nhóm đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) có mong muốn độc lập ở độ tuổi về hưu chiếm tỷ lệ lớn nhưng để đạt được cuộc sống như mong muốn đó thì tỷ lệ có lên kế hoạch lại chưa cao, chỉ có 28.4%. Đồng thời, trong tổng số 2.019 đối tượng tham gia nghiên cứu chỉ có 21,54% đã tham gia Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT) và 37,42% đang tham gia Bảo hiểm Xã hội (BHXH).
Trước những thách thức như trên, tích lũy kịp thời với phương án “kiềng ba chân” sẽ mở ra cho người lao động nhiều hy vọng về một tương lai ổn định tài chính, đồng thời góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Khi mỗi một người lao động trong chúng ta chủ động trang bị một “kiềng ba chân” vững chắc thì không chỉ giúp đảm bảo an ninh tài chính cho bản thân và cả gia đình về sau, mà cũng phần nào giải quyết được những thách thức cho tất cả hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi,... trước thực trạng “Việt Nam chưa giàu đã già”.
Ngày 10/6 vừa qua, Hội thảo “Tương lai nào cho người lao động – nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?” diễn ra tại hai điểm cầu Hà Nội và TPHCM, với các phiên thảo luận góp phần nhìn nhận về thực trạng của người lao động, đồng thời cung cấp những giải pháp đảm bảo tài chính, an sinh cho người lao động trong tương lai, nhất là khi hết tuổi lao động và trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam đang gia tăng.