Quản lý theo tư duy hệ thống là phương pháp tối ưu nhằm kiểm soát những thay đổi của môi trường phức hợp, giúp các nhà quản lý nắm được bức tranh toàn cảnh và xác định chính xác đòn bẩy của doanh nghiệp, từ đó tiến tới xây dựng những giải pháp toàn diện và đồng bộ. Quản lý hệ thống giúp các doanh nghiệp tránh các "giải pháp tình thế", vượt lên lối tư duy ứng phó, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Hiện nay, hệ thống Quản lý Malik là mô hình vượt trội với những công cụ thực hành quản trị mới đã được triển khai thành công tại nhiều doanh nghiệp và tổ chức trên thế giới. Để mô hình Malik trở nên phù hợp với môi trường kinh doanh và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lãnh đạo Chiến lược (Sleader) cùng với Viện Malik, Thuỵ Sỹ đã nghiên cứu, điều chỉnh các phương pháp chuyên biệt giúp doanh nghiệp áp dụng thành công và đạt hiệu quả cao.
Chia sẻ tại hội thảo, với chủ đề Doanh nghiệp Việt Nam từ góc nhìn tư duy hệ thống, TS. Trần Thị Hồng Liên, Phó Chủ nhiệm khoa QTKD, ĐH Kinh tế- Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho rằng: Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang vận hành dựa vào một số cá nhân xuất sắc, hậu quả là dẫn đến sự sụp đổ hệ thống nếu những cá nhân này ra đi. Từ đó có thể thấy, nhà quản trị thành công được đánh giá bằng thành quả họ để lại sau khi rời khỏi tổ chức. Vì vậy, xây dựng tổ chức hoạt động theo tư duy hệ thống là một trong các ưu tiên của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu hiệu quả bền vững. Mô hình Bánh xe Hiệu quả Quản lý được giới thiệu tại Hội thảo là phương pháp giúp các nhà lãnh đạo vừa quản lý hiệu quả mà vẫn tận hưởng niềm vui cuộc sống, đồng thời tạo ra các kết quả phi thường từ nguồn nhân lực bình thường chứ không phải phụ thuộc vào nhân tài.
TS. Nam Nguyễn, Giám đốc phụ trách châu Úc và Đông Nam Á, Viện Malik, Thụy Sỹ đã giới thiệu các Mô hình và công cụ thực hành của Hệ thống Quản lý Malik trong vận hành của các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn áp dụng tư duy hệ thống trong các dự án tại Thành phố Hải Phòng. Ông cũng chỉ ra rằng sức mạnh của mô hình hệ thống quản lý Malik, đó là giúp các nhà quản trị có thể giải quyết các vấn đề một cách tổng thể.
TS. Dương Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược đã trình bày về việc áp dụng các công cụ Malik trong xây dựng chiến lược. Việc ứng dụng các mô hình quản lý Malik giúp các doanh nghiệp chẩn đoán chính xác hệ thống, những hoạt động doanh nghiệp cần cải tiến và những mục tiêu chiến lược cần đạt được. Đặc biệt, phương pháp Siêu đồng hợp giúp các doanh nghiệp giải quyết đồng thời và bao quát tất cả các vấn đề liên đới đan xen trong mỗi tổ chức. Việc áp dụng các mô hình và công cụ trên rút ngắn toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi chiến lược tại các doanh nghiệp (chỉ còn 3,5-4 tháng).
Tại phiên trao đổi, chuyên gia PGS. TS Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ T- TECH Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về khởi nghiệp, tầm quan trọng của việc xác định tầm nhìn và xây dựng chiến lược.