Theo đó, trong năm học mới này, chương trình được thực hiện tại 180 trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở các xã, thị trấn nằm trong vùng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Tại đây Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã cấp mỗi học sinh từ 7-10 cuốn vở học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trên mỗi cuốn vở, các thông điệp bảo vệ rừng được in ấn đẹp, bắt mắt, giúp các em học sinh có thể hiểu, biết về giá trị của việc bảo vệ và phát triển rừng như: Toàn dân tích cực bảo vệ rừng, hưởng ứng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Chi trả dịch vụ môi trường rừng vì tương lai xanh Việt Nam; Bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống và tính đa dạng của trái đất; Bảo tồn đa dạng sinh học; Bảo vệ rừng giúp điều tiết, duy trì nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn…
Theo bà Trần Hương Viên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Tô huyện Đăk Tô cho biết: Với nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, thời gian qua đã giúp công tác truyền thông và thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách chi trả môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó có thị trấn Đăk Tô. Việc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum phát vở cho học sinh trước năm học mới này đã góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn thị trấn, tạo điều kiện cho các em học sinh được đến trường. Với trách nhiệm địa phương tôi kêu gọi mỗi thầy cô giáo, nhân viên, học sinh của nhà trường sẽ là một tuyên truyền viên trong việc tuyên truyền bảo vệ rừng đối với gia đình, người thân và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường và có hiệu quả cao hơn.
Nhờ nguồn vốn chi trả từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã tạo cơ chế, nguồn lực tài chính bền vững cho các chủ rừng, chính quyền địa phương và người dân duy trì, bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có; tạo công ăn việc làm cho người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tứ đó huy động người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Hiện tình trạng phá rừng đã hạn chế, tuy nhiên vẫn còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ. Để chấn chỉnh tình trạng trên, cần tiếp tục tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, từ ngày có kinh phí cung ứng chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền được đẩy mạnh ở các đại phương trong tỉnh Kon Tum, góp phần huy động được các ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân trên địa bàn.
Theo ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum: “Đây là năm thứ 3 quỹ thực hiện chương trình Đồng hành cùng các em đến trường với cách thức in ấn các thông điệp về bảo vệ rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng lên bìa vở và phát đến các em học sinh. 2 năm học trước, việc cấp vở chỉ cho các em học sinh tiểu học, năm nay, học sinh được cấp vở mở rộng đến cấp trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này sẽ góp phần cùng nhà trường giáo dục thế hệ trẻ nhận thức được ý nghĩa, trách nhiệm của các em học sinh trong việc quản lý, bảo vệ rừng, góp phần cùng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua các thông điệp về công tác bảo vệ, phát triển rừng được in trên vở và phát đến các em học sinh sẽ truyền tải đến các em cùng thầy cô giáo và các bậc phụ huynh về công tác bảo vệ rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ đó chúng ta chung tay cùng bảo vệ rừng. Việc phát vở lần này góp phần động viên các em học sinh học tập tốt hơn, đồng thời giảm kinh phí mua vở cho phụ huynh”.
Việc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum thực hiện chương trình Đồng hành cùng các em đến trường đã giúp các em học sinh trong tỉnh Kon Tum, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các địa phương đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt có thêm điều kiện đến trường ngay trước thềm năm học mới.