Trong năm 2021, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, song, với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo từ sớm, từ xa, có trọng tâm, trọng điểm của huyện ủy, HĐND, UBND, huyện Thọ Xuân đã hoàn thành tốt “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nổi bật là giá trị sản xuất tăng 16,5%, đứng thứ hai trong các huyện đồng bằng của tỉnh, có 20/35 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 13.645 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ, là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế của huyện. Các sản phẩm truyền thống của huyện tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu... Huyện đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn do đầu tư phát triển, tổng nguồn vốn ước đạt 6.021 tỷ đồng, hoàn thành, đưa vào sử dụng 12 công trình, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục khởi công mới 20 dự án. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 719,884 tỷ đồng, bằng 126,2% … Lĩnh vực văn hóa – xã hội có bước phát triển tốt, an sinh xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên. An ninh chính trị - Trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Là một huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Thọ Xuân tập trung đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 2021, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 120,3 nghìn tấn bằng 104,2% kế hoạch. Triển khai có hiệu quả, sản xuất rau an toàn tập trung. Đã tích tụ đất đai 216.8ha, đạt 118,5% kế hoạch… Về xây dựng NTM và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng hai xã Thọ Xương và Thọ Lâm được Hội đồng thẩm định của tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn huyện có thêm 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (3 sao) …
Một tin vui lớn đến với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân, ngày 10/01/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đã khẳng định: “Phát triển huyện Thọ Xuân nhanh và bền vững với nông nghiệp là nền tảng, công nghiệp và nông nghiệp là quy mô lớn, công nghệ cao là đột phá, dịch vụ hàng không và du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là mũi nhọn; trọng tâm là phát triển khu vực Lam Sơn – Sao Vàng trở thành trung tâm công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, dịch vụ hàng không của tỉnh, trung tâm hành chính mới của huyện, phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030…
Theo đó, các chỉ tiêu giai đoạn 2021 – 2025: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm của Thọ Xuân đạt 17,5% trở lên, tổng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 30 nghìn tỷ đồng trở lên; tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 800 doanh nghiệp trở lên; tỷ lệ thu ngân sách bình quân hàng năm 15% trở lên; tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người đạt 74 triệu đồng trở lên; giá trị xuất khẩu 100 triệu USD trở lên; tỷ lệ đô thị hóa đạt 27% trở lên; 15 xã, thị trấn có cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí phường theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm đạt 80% trở lên….
Một mùa xuân mới lại về trên vùng đất Lam Sơn lịch sử, Đảng bộ, nhân dân Thọ Xuân quyết tâm đưa Nghị quyết số 10-NQ/TU đi vào cuộc sống, tiếp thêm sức mạnh tạo thế và lực cho Thọ Xuân cất cánh.