Cuộc thi đã nhận được nhiều tác phẩm đẹp, ghi lại những khoảnh khắc chân thật và phản ánh rõ nét đặc thù về con người ngành điện, những công trình điện đã và đang tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cũng như đời sống của người dân tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam.
Ban Tổ chức cuộc thi giới thiệu chùm ảnh nổi bật trong cuộc thi ghi lại những khoảnh khắc đẹp, những hình ảnh tiêu biểu, rõ nét nhất về ngành Điện miền Nam:
Năm 2017, EVN SPC đã tiếp nhận hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Từ Tết Mậu Tuất 2018 đến nay, EVN SPC đã khôi phục và cấp điện liên tục 24/24 tại các điểm đảo chính và Nhà dàn DK1. Từ tháng 5/2019, Nhà văn phòng trụ sở làm việc của Điện lực Trường Sa chính thức khánh thành, đánh dấu sự hiện diện của ngành Điện lực Việt Nam trên hệ thống các đảo trong quần đảo Trường Sa.
Trong thời gian qua, song song với việc đảm bảo cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân, EVNSPC đã nỗ lực không ngừng trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phong trào nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp đang phát triển mạnh ở một số tỉnh ven biển khu vực phía Nam.
Nhiệm vụ đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục để phục vụ cho các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và các khu vực đang tăng trưởng mạnh về công nghiệp dịch vụ, du lịch như Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng… luôn được EVNSPC chú trọng và xem đó là nhiệm vụ xuyên suốt trong những năm qua.
EVNSPC đã đầu tư thành lập 16 đội thi công hotline (sửa chữa đường dây đang mang điện) tại các tỉnh phía Nam. Hoạt động của các đội này đã mang lại nhiều hiệu quả rất tốt như:giảm thời gian cắt điện, cung cấp điện liên tục phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng cũng như thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng; đáp ứng nhu cầu kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng, thay thế, đấu nối thiết bị mà không cần phải cắt điện; bảo đảm chỉ số độ tin cậy cung cấp điện, hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh.
Công tác đưa điện về nông thôn thời gian qua của EVNSPC đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào vùng nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ đắc lực cho công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn ở các tỉnh, thành phía Nam; tạo niềm tin mạnh mẽ và sự đồng thuận của người nông dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ 70% số trung tâm xã có điện, với gần 35% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia vào năm 1996, đến cuối quý II/2019 số xã phường thị trấn có điện là 2.513/2.513 xã, đạt tỷ lệ 100%. Tổng số hộ dân có điện là 7,92/7,95 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,58%; trong đó hộ dân nông thôn có điện là 5,21/5,23 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,41%.
Từ năm 2011 đến, EVNSPC luôn phối hợp với cơ quan chức năng và tổ chức đoàn thể địa phương tại 21 tỉnh thành phía nam để tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả với nhiều giải pháp, mô hình và cách thức thực hiện. Hoạt động này đã góp phần tiết kiệm hƠN 1 tỉ kWh điện hằng năm tại khu vực phía Nam. Điều này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn giúp giảm công suất đỉnh của hệ thống nhằm đảm bảo cung cấp điện.
Cho đến nay, ngành Điện miền Nam đã tiếp nhận, quản lý vận hành và đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đảm bảo cấp điện tại các huyện đảo phía Nam nước ta như: Phú Quốc, Phú Quý, Côn Đảo, Trường Sa và các xã đảo thuộc tỉnh Kiên Giang gồm: Hòn Thơm, Hòn Tre, Sơn Hải, Hòn Nghệ, Lại Sơn, Tiên Hải… với mục tiêu không chỉ góp phần phát triển kinh tế biển đảo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, mà trên hết là góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.
Nhằm từng bước thay thế đèn hiệu suất thấp bằng đèn hiệu suất cao, góp phần tiết kiệm năng lượng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chong đèn thanh long nói riêng, EVNSPC đã triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay thế 2 triệu bóng đèn sợi đốt (giai đoạn 2014 - 2016) tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Đến cuối năm 2018, Đề án đã mang lại những hiệu quả rất lớn về kinh tế, môi trường và xã hội.
Miền Tây Nam Bộ với đặc thù hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, công tác quản lý vận hành, kinh doanh mua bán điện gặp rất nhiều khó khăn. Trên những hành trình lênh đênh miền sông nước, những công nhân Điện lực phải nỗ lực rất lớn để thích nghi và hoàn thành tốt công việc của mình.
Vẻ đẹp người công nhân ngành Điện miền Nam dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng luôn tươi cười, hạnh phúc vì đã và đang tiếp tục đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của đất nước.