Do doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, nên kết quả kinh doanh của Vicostone chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu. Lạm phát gia tăng trên toàn cầu đang làm xói mòn thu nhập thực tế và mức sống của các hộ gia đình, đồng thời làm giảm tiêu dùng. Là mặt hàng không nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đá VICOSTONE® vì thế sụt giảm.
Lãi suất tăng, đồng thời điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt. Từ châu Á đến châu Âu, Bắc Mỹ, một loạt ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Lãi suất vay tăng đã gây khó khăn, rủi ro tới lĩnh vực bất động sản, vì doanh nghiệp bất động sản hoạt động chủ yếu trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, bản thân người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này chịu tác động kép. Qua đó làm sụt giảm đơn hàng và doanh thu Công ty tại hầu hết các thị trường, đặc biệt là thị trường chính: Bắc Mỹ, châu Âu.
Không chỉ sụt giảm đơn hàng, Vicostone gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh về giá với các sản phẩm đá nhân tạo giá rẻ từ đối thủ trong ngành. Sản phẩm Đá nhân tạo của Vicostone cũng phải cạnh tranh với đá tự nhiên, gốm sứ và đá nung kết, pocerlain trong các ứng dụng dân dụng từ trung bình đến cao cấp ở hầu hết các thị trường, đặc biệt tại Úc, Canada, Mỹ.
Tính lũy kế 9 tháng năm 2022, Vicostone ước đạt 4.431 tỉ đồng doanh thu, 1.119 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế và 941 tỉ lợi nhuận sau thuế.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới sắp tới sẽ rất ảm đạm và có thể kéo dài đến các năm sau. Trong bối cảnh nền kinh tế Thế giới đang trên đà suy thoái, hoạt động xuất khẩu của Vicostone sẽ tiếp tục gặp khó khăn và trở ngại. Xuất khẩu tiếp tục gặp thách thức không chỉ gây tác động xấu trong việc thực hiện chỉ tiêu kinh doanh 2022 của Vicostone, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch kinh doanh Công ty năm 2023.
Đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, cùng sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, sản phẩm giá rẻ, Vicostone đã chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong sản xuất kinh doanh như: Tiếp tục đầu tư vào công tác R&D nhằm phát triển nhiều sản phẩm mới; rà soát lại hệ thống để sẵn sàng đối phó với việc có thể bị điều đối diện với việc bị điều tra chống bán phá giá và trợ cấp khi xuất khẩu vào Mỹ; Tối ưu hóa quản trị chi phí; Tiếp tục chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu, rủi ro về biến động tỉ giá, từ đó tiếp tục giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cùng ngành đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của việc đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu.