Hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao
Năm 2019, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2018. Trong đó doanh thu Công ty mẹ đạt 45.730 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch, bằng 101,4%[1] so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng bằng 100,1% kế hoạch, tăng 10% so với thực hiện năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,9%, đạt 100% kế hoạch, tăng 7% so với năm 2018. Nộp ngân sách nhà nước 4.926 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 10% so với thực hiện năm 2018. Năng suất lao động theo doanh thu trung bình đạt 1,521 tỷ/người, tăng 1,7% so với năm 2018.
Về phát triển dịch vụ, VNPT cũng tạo bước đột phá trong việc phát hành gói cước Combo (bao gồm 3 dịch vụ: di động, băng rộng, MyTV) phù hợp với nhu cầu, hành vi tiêu dùng của từng nhóm đối tượng, dựa theo phân khúc khách hàng. Qua đó, dịch vụ MyTV có sự tăng trưởng đột phá về thuê bao phát triển mới, với hơn 750.000 thuê bao, tăng 210% so với thực hiện năm 2018. Tổng số thuê bao phát sinh cước ước tính đạt hơn 1,63 triệu thuê bao tăng 152% so với năm 2018.
Cũng trong năm 2019, VNPT đã giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT, thương hiệu Vinaphone. Thương hiệu VNPT đã vươn lên vị trí thứ 2 trong TOP 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó thương hiệu Vinaphone cũng duy trì đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn VNPT trở thành doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có 2 thương hiệu nằm trong TOP 10 thương hiệu lớn nhất. Vinaphone là nhà mạng duy nhất có số thuê bao chuyển đến lớn hơn so với số thuê bao chuyển đi gần 60.000 thuê bao. Điều đó đã minh chứng được vị trí của Vinaphone trên thị trường.
Cùng với đó, VNPT tiếp tục nghiên cứu phát triển và cho ra đời các sản phẩm đầu cuối mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nội địa do VNPT tự chủ sản xuất, không phải nhập khẩu đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Kết quả này khẳng định năng lực của VNPT trong sản xuất thiết bị công nghệ công nghiệp, đảm bảo an ninh thông tin đồng thời tăng tính chủ động của VNPT trong phát triển mạng lưới. Đặc biệt, giữa năm 2019, VNPT đã khánh thành nhà máy sản xuất sợi quang công nghệ cao đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á với công suất thiết kế lên tới 3,2 triệu km sợi quang/năm.
Trong các hoạt động ra quốc tế, liên doanh Stream Net tại Myanmar đã bước vào năm hoạt động thứ 2 với doanh thu ước đạt 561.000 USD. VNPT cũng triển khai thành công giải pháp E-Office cho Văn phòng Chính phủ và Bộ Bưu chính viễn thông Lào, bước đầu đưa các dịch vụ số của Tập đoàn ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị và giải pháp đã được VNPT cung cấp tại cácthị trường mới như: Nepal, Myanmar, Indonesia, Campuchia, Lào, Bangladesh... Các hoạt động này tạo đà để VNPT đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài trong các năm tiếp theo.
Dịch vụ số đi vào mọi mặt cuộc sống
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và VNPT phải giữ vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số nền kinh tế, trong năm 2019, VNPT đã tập trung nguồn lực rất lớn cho lĩnh vực này và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Việc triển khai thành công Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia, hai thành tố vô cùng quan trọng trong kiến tạo chính phủ điện tử đã thể hiện vị trí tiên phong của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ trong triển khai chính phủ điện tử.
Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được đưa vào hoạt động từ ngày 12/3/2019 đã đảm bảo kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ tới các Bộ, Ngành, Địa phương. Trục được kết nối đến các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 95/95 đơn vị, bao gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh/Tp, với hơn 1 triệu văn bản điện tử được gửi/nhận, trong đó gần 300.000 văn bản gửi đi và 700.000 văn bản đến, tiết kiệm 1.200 tỷ đồng/năm.
Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương đầu tháng 12/2019. Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 05 dịch vụ công trực tuyến tại 63 tỉnh/Tp, 04 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ. Đầu năm 2020, Chính phủ sẽ tích hợp thêm 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ. Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động sẽ giúp công khai, minh bạch thủ tục, qua đó chống cửa quyền, ngăn chặn tham nhũng vặt. Theo tính toán của Văn phòng Chính phủ, việc đưa Cổng dịch vụ công quốc gia vào hoạt động sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm, con số này sẽ tăng lên, tỉ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, VNPT cũng tiếp tục đẩy mạnh đưa các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi trong triển khai Chính phủ, Tổ chức/Doanh nghiệp đi vào thực tiễn cuộc sống. Đến nay, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 53 tỉnh/Tp; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh; Giải pháp phòng họp không giấy tờ VNPT-eCabinet đã triển khai cho UBND TP. HCM và gần 150 đơn vị. VNPT đã khảo sát, tư vấn xây dựng Đề án đô thị thông minh cho 28 tỉnh/TP (tăng 08 tỉnh/Tp); Triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cho các tỉnh Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; Triển khai giải pháp Du lịch thông minh gần 50 tỉnh/Tp (tăng 20 tỉnh/Tp). Hiện gần 55% cơ sở y tế đã sử dụng VNPT-HIS, gần 60% trường học sử dụng giải pháp vnEdu Dịch vụ hóa đơn điện tử đạt khoảng 1.400.000 hóa đơn phát hành, tăng gấp đôi so với năm 2018.
Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và áp dụng công cụ quản trị hiện đại
Có được kết quả trên là nhờ VNPT đã làm tốt công tác tái cấu trúc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban QLVNN tại Doanh nghiệp cũng như quyết liệt trong việc áp dụng triệt để, toàn diện các công cụ quản trị hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2019, VNPT đã chính thức triển khai áp dụng phương pháp cải tiến chất lượng theo phương pháp Lean Six Sigma (LSS). Đã thành lập Hội đồng LSS ở cấp Tập đoàn và đơn vị, giúp nâng cao chất lượng nhiều dịch vụ. Công tác quản trị rủi ro doanh nghiệp tiếp tục được triển khai sâu rộng, giúp thay đổi nhận thức của người lao động về công tác này. Đồng thời VNPT cũng tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với mô hình eTOM, tránh chồng chéo trong mô hình tổ chức.
Cũng trong năm 2019, hàng loạt hệ thống phần mềm quan trọng trong hoạt động quản trị doanh nghiệp đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trong Tập đoàn như: phần mềm quản trị nguồn nhân lực HRM; Quản lý nguồn vốn và dự án đầu tư IMS; Quản lý tài sản; Quản lý văn bản điều hành tích hợp chữ ký số; Quản lý họp không giấy... giúp hình thành một môi trường làm việc có tính tự động hóa cao trong Tập đoàn, từng bước đưa VNPT trở thành một doanh nghiệp số thực sự.
Có thể nói, việc triển khai đồng bộ, chủ động nhiều giải pháp và kiên trì theo đuổi các mục tiêu chiến lược đã đề ra đã giúp VNPT đạt nhiều kết quả trong năm 2019. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để trong năm 2020, VNPT khẳng định vị thế dẵn dắt của mình trong chuyển đổi số nền kinh tế, tiến tới cùng Chính phủ xây dựng Quốc gia số.