Trước đó, ngày 17/3, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 1306/BYT-YDCT trong đó nêu rõ: Cần tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền.
Hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế mở ra phương pháp kết hợp y học cổ truyền và Tây y hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp nói riêng và phòng các bệnh do virus nói chung.
Đây là một thông tin đáng chú ý trong bối cảnh chưa có thuốc chữa bệnh COVID-19. Cũng cần biết rằng, cách đây 3 năm, trong một nghiên cứu của Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã chỉ ra rằng, có rất nhiều thảo dược xung quanh cuộc sống của chúng ta không chỉ giúp phòng, tránh các bệnh do virus gây ra mà còn có thể chữa được một số bệnh.
Nhằm làm rõ hơn công văn của Bộ Y tế về việc phòng chống Covid 19 bằng y học cổ truyền. Đồng thời hướng dẫn cho người dân những kỹ năng cũng như kinh nghiệm cần thiết, có thể áp dụng ngay. Buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến: “Vận dụng Y học cổ truyền trong phòng chống dịch bệnh do virus” với sự tham gia của khách mời là các chuyên gia hàng đầu về y học cổ truyền như: PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó viện trưởng Viện Y Học ứng dụng Việt Nam (Tổng hội Y học Việt Nam); TS. Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam; PGS.TS. Hồ Bá Do giảng viên cao cấp Học viện Quân Y.
Tại buổi tọa đàm, các khách mời đã trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến việc phòng áp dụng YHCT vào phòng, chống dịch; cách thức nâng cao thể trạng phòng tránh vi rút trong mùa dịch; tác dụng của các loại thảo dược sẵn có ở nước ta… Các khách mời cũng đã tư vấn cụ thể những lợi ích khi sử dụng sản phẩm được chiết xuất từ các loại thảo dược, góp phần đẩy lùi virus…
Nhìn nhận sự kết hợp hai phương pháp chữa bệnh Đông y và Tây y, PGS. TS. Hồ Bá Do - Phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam cho rằng, trên thế giới, bất kỳ Quốc gia nào cũng có 2 nền y học chăm sóc sức khỏe: Y học hiện đại (Tây y) và Y học cổ truyền (Đông y, Nam y, y học bản địa).
“Sự kết hợp giữa 2 nền y học này trong chăm sóc sức khỏe luôn được áp dụng, đương nhiên mức độ kết hợp tùy từng Quốc gia, chứ không thể nói YHCT chỉ hỗ trợ điều trị kết hợp Tây y, điều này hoàn toàn không đúng”, PGS.TS Hồ Bá Do nhấn mạnh.
Chung nhận định, Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam chia sẻ: Việc phối hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong việc nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh là rất cần thiết. Nếu biết kết hợp đúng thì ít có tác dụng phụ và rất hiệu quả.
Kim Ngân Hoa có khả năng chống viêm và giảm nguy cơ ung thư, chống oxy hóa, ức chế và tiêu diệt vi khuẩn, virus. Kim ngân hoa còn có tác dụng giảm những tổn thương do quá trình oxy hóa các gốc tự do và tăng khả năng miễn dịch cho con người. Trong khi đó, cam Thảo có tác dụng chống viêm do vi khuẩn gây ra.
Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Ninh, các thảo được trong y học cổ truyền có hai cơ chế tác dụng chính. Một, có tác dụng sát khuẩn tại chỗ, ví dụ tại họng, miệng, đường tiêu hóa… Kìm hãm, hoặc diệt được vi khuẩn tại chỗ nếu dùng đúng liều lượng. Hai, tăng cường sức khỏe chung, khả năng miễn dịch.