Âm nhạc cho thiếu nhi: Bao giờ trở lại... ngày xưa-Bài 2: Thiếu các ca khúc hay

Vừa thừa, vừa thiếu - là đánh giá chung của nhiều nhạc sỹ về thực trạng của ca khúc thiếu nhi hiện nay. Thực tế cho thấy, lượng ca khúc cho trẻ em khá nhiều, nhưng lại thiếu những sáng tác có cảm xúc, đi vào lòng người. Có những bài hát có tuổi đời đến... 50 năm vẫn được các em thiếu nhi hào hứng hát vang, trong khi nhiều bài hát vừa mới ra đời đã rơi vào quên lãng.

 

Hơn chục năm nay, mỗi khi nói đến nhạc thiếu nhi hay có dự định đi mua đĩa cho con em, hầu hết các phụ huynh đều nghĩ ngay đến đĩa Xuân Mai, Xuân Nghi. Một số trung tâm băng đĩa có quay thêm một vài đĩa nhạc nhưng hầu như không có đĩa nào nổi trội. Không những thế, trong mỗi đĩa hát có khoảng hơn chục bài, thì quanh đi quẩn lại thế nào cũng có tới dăm bài trùng nhau. Có những đĩa nén 3-4 đĩa hát khác vào làm một, rồi “tự làm mới mình” bằng cách lấy một tên gọi khác để câu khách... Và những ca khúc xuất hiện nhiều trong đĩa hát vẫn chỉ là những cái tên quá quen thuộc trong làng âm nhạc thiếu nhi Việt Nam của các nhạc sỹ Phong Nhã, Phạm Tuyên, Mộng Long, Hàn Ngọc Bích, Hoàng Long-Hoàng Lân... Điều này cho thấy, những sản phẩm âm nhạc mới có chất lượng dành cho thiếu nhi đang thiếu trầm trọng.


Nhạc sỹ Phạm Tuyên tâm sự: “Năm trước, NXB Kim Đồng đã chọn hơn 200 bài hát của tôi để in tuyển tập ca khúc thiếu thi mang tên “Cánh én tuổi thơ”. Vừa rồi, NXB Kim Đồng lại gọi điện cho tôi và nói rằng, ca khúc cho thiếu nhi vẫn thiếu lắm, nên năm nay in lại. Tuy rất mừng vì sách của mình được tái bản, nhưng trong lòng tôi lại canh cánh nỗi lo, bởi điều đó chứng tỏ sự thiếu hụt ca khúc thiếu nhi hiện nay”.


Đồng quan điểm này, nhạc sỹ Hoàng Long cho rằng, hiện nay, số lượng người sáng tác rất đông, nhưng chất lượng lại không đi đôi với số lượng, những bài hát mới sáng tác cho thiếu nhi không “sống” được trong lòng công chúng. PGS.TS - nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, Chánh văn phòng Hội Âm nhạc Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nhạc Hà Nội cũng cho rằng, ca khúc cho thiếu nhi đang có rất nhiều, nhưng chủ yếu là các ca khúc cũ, còn những ca khúc mới thì chưa nhiều và chưa hay cả về giai điệu và ca từ. Theo nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích, nhiều sáng tác của nhạc sỹ thời nay giai điệu chắp vá, ca từ sáo rỗng và thiếu hẳn chất thơ, thiếu hẳn tình cảm sâu sắc xuất phát từ trái tim người nhạc sỹ. Còn nhạc sỹ Hoàng Long thì đưa ra nhận xét, ca từ của các ca khúc thiếu nhi hiện nay vừa thô, vừa thiếu tính văn học và không có tính thẩm mỹ... Nguyên nhân của tình trạng yếu kém này được nhạc sỹ Hoàng Long nhận định một phần do tư duy và năng lực thẩm mỹ về văn học của người sáng tác kém, một phần do tác giả không chịu đầu tư công sức để tìm hiểu tâm lý lứa tuổi các em... Theo nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích, cũng có một phần do nhiều người còn coi thường ca khúc cho thiếu nhi, bằng chứng là ở Bộ VH, TT & DL, ở các hội nhạc sỹ người ta bàn về nhạc cho người lớn nhiều hơn, chứ ít người nhìn đến ca nhạc cho thiếu nhi. Rồi công tác phê bình cho âm nhạc thiếu nhi cũng ít ỏi. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Lân Cường thì cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do âm nhạc thiếu nhi sáng tác rất khó bởi có sự hạn chế cung bậc cho phù hợp lứa tuổi, nhiều nhạc sỹ sáng tác nhưng lại theo nếp cũ, tư duy cũ nên các em nghe cũng chán.


Cơ chế thị trường cũng là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi hiện nay. Theo nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích, các nhạc sỹ trẻ hiện nay ít người quan tâm đến viết nhạc cho trẻ em, bởi vì trẻ em không phải là đối tượng tiêu thụ tốt hiện nay. Trẻ em cũng không có nhiều cơ hội cũng như sân chơi để giới thiệu các ca khúc so với người lớn, nên viết cho trẻ em vừa thiệt thòi, vừa không có tên tuổi. Các bài hát cho thiếu nhi nhuận bút thấp, trung bình một bài hát thiếu nhi đăng trên một cuốn sách nhạc được trả 50.000-100.000 đồng. Cũng là một bài hát, nếu được viết theo đơn đặt hàng thường được trả đến vài chục triệu, nhưng một ca khúc viết cho một cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi chỉ được vỏn vẹn vài triệu đồng, mà lại chưa chắc đã được dàn dựng, biểu diễn, thì hiếm nhạc sỹ nào toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp âm nhạc thiếu nhi. Hơn thế nữa, “vấn nạn” băng, đĩa lậu tràn lan cũng khiến cho các nhà sản xuất băng đĩa không dám đầu tư. Giám đốc một trung tâm băng đĩa có tiếng ở Hà Nội cho biết, đầu tư một chương trình để thu đĩa cho các em thiếu nhi có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng đĩa gốc chưa phát hành, trên thị trường đã xuất hiện đĩa in lậu tràn lan với giá bán chỉ bằng 1/4, vậy là nhiều sản phẩm băng đĩa chưa ra lò đã "chết yểu", nhà sản xuất thì lỗ nặng…


Khi các sản phẩm âm nhạc trên thị trường dần vắng bóng, thì nhiều chương trình dành riêng cho thiếu nhi ở trên truyền hình, trên đài phát thanh cũng bị cắt giảm. Chương trình “Những bông hoa nhỏ” của Đài Truyền hình Việt Nam - món ăn tinh thần của bao thế hệ thiếu nhi đã bị cắt sau 3 thập kỷ tồn tại. Các chương trình văn nghệ thiếu nhi, kể chuyện bài hát em yêu, sinh hoạt âm nhạc thiếu nhi trên Đài Tiếng nói Việt Nam không được ưu ái về kênh cũng như thời gian phát sóng và hầu như không phổ biến được ca khúc mới. Trong sách âm nhạc cho học sinh tiểu học và THCS cũng chủ yếu là những ca khúc đã được sáng tác cách đây ít cũng vài chục năm…


Sự thiếu vắng các ca khúc thiếu nhi có chất lượng, những ảnh hưởng của cơ chế thị trường và sự xuống dốc của phong trào ca múa nhạc tại các nhà văn hóa, các chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi trên truyền hình, đài phát thanh, cộng với tư duy của những người làm công tác quản lý giáo dục, văn hóa chưa thực sự coi trọng việc phát triển các ca khúc thiếu nhi, đã dẫn đến tình trạng yếu kém và thiếu vắng các sản phẩm âm nhạc chất lượng dành cho các em trong một thời gian dài.

 

Phương Lan

 

Bài cuối: Cần những “bà đỡ” mát tay

Âm nhạc cho thiếu nhi: Bao giờ trở lại... ngày xưa

Âm nhạc là một thành tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là với các em thiếu nhi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN