Thông tin từ Ban Tổ chức chương trình, không gian văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống được gìn giữ bao đời nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không thể thiếu được những sắc màu thổ cẩm. Thổ cẩm Tây Nguyên từ xưa đến nay gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân, thể hiện được chiều sâu văn hóa. Từ đôi bàn tay khéo léo cùng với trí óc phong phú, phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã khắc họa lên tấm vải những hình ảnh, đường nét gắn bó với đời sống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như cồng chiêng, nhà rông, ché rượu...
Do đó, chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm các dân tộc Đắk Lắk với chủ đề “Ban Mê ơi” nhằm góp phần giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời quảng bá trang phục truyền thống và xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong khung cảnh huyền bí, hùng vĩ, nên thơ của thác nước Dray Nur cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc bởi tiếng cồng, tiếng chiêng, các ca khúc về Tây Nguyên huyền thoại, hơn 200 diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ múa, nghệ nhân người dân tộc thiểu số… đến từ thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Lắk đã trình diễn các bộ sưu tập thời trang thổ cẩm của các nhà thiết kế Lê Kyo, Minh Hạnh, Công Huân, Cao Duy, Trung Beret, Nguyễn Thúy, Thu Hà…
Mặc dù thời tiết tỉnh Đắk Lắk đang vào mùa mưa, không gian chương trình diễn ra ngoài trời song với sự nỗ lực của các diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ múa cùng sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức, sự sáng tạo trong từng tiết mục, chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm các dân tộc Đắk Lắk đã diễn ra thành công tốt đẹp, lôi cuốn, hấp dẫn, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk H’Kim Hoa Byă cho biết, thành công của chương trình đến từ sự nhiệt tình, trách nhiệm của cả ekip thực hiện. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk với Ban Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã làm nên một chương trình vừa sáng tạo, vừa đổi mới song vẫn giữ được những nét độc đáo trong văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Qua chương trình, Ban Tổ chức hy vọng về lâu dài sẽ tiếp tục có những ý tưởng đa dạng, phong phú tạo nên chương trình quảng bá, biểu diễn, tôn vinh không chỉ nghề dệt thổ cẩm mà còn tôn vinh những nét văn hóa đặc sắc khác của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Cũng theo Ban Tổ chức chương trình, để thổ cẩm sống mãi cùng đồng bào Tây Nguyên, ngoài việc khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ trẻ thì chính quyền địa phương cũng cần chú trọng mở lớp dạy nghề, thành lập các tổ hợp thổ cẩm và tăng cường quảng bá rộng rãi ra công chúng những sản phẩm thủ công truyền thống mang giá trị văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác và phát huy các làng nghề thổ cẩm truyền thống theo hướng phục vụ du lịch, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ số trong sản xuất để sản phẩm thổ cẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày, từ đó có thể đưa sản phẩm thổ cẩm vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.