Nhằm tạo sự gắn kết giữa các hoạt động văn hóa nghệ thuật với bảo tàng và du lịch, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tổng cục Du lịch và Nhà hát Chèo Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật “Âm sắc Việt Nam”. Chương trình đã giới thiệu đến khán giả các loại hình âm nhạc truyền thống như hát xẩm, chầu văn, hát chèo, biểu diễn nhạc cụ truyền thống...
Hát xẩm, hầu đồng đến với du khách
Trong không gian ấm cúng của căn phòng biểu diễn của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, hơn 100 du khách trong và ngoài nước vừa nhâm nhi chén trà nóng, thưởng thức hương vị đậm đà của món kẹo lạc, vừa say sưa lắng nghe các nghệ sỹ biểu diễn những điệu hát truyền thống mượt mà, đằm thắm. Các nghệ sỹ của Nhà hát Chèo Hà Nội đã đưa khán giả trải qua từng cung bậc cảm xúc khác nhau.
Tiết mục biểu diễn trong chương trình “Âm sắc Việt Nam”. |
Từ giai điệu vui nhộn, rộn ràng của bài xẩm “Vui nhất Hà thành”, đến những giai điệu mượt mà, đằm thắm của bài xẩm “Thập ân”. Từ điệu hát chèo “Đò đưa”, đến tiếng đàn bầu da diết với bài “Ru con” - dân ca Nam bộ, rồi nghe tiếng sáo vừa day dứt, vừa trầm bổng của điệu “Lý hoài nam”... Và rồi, khán phòng biểu diễn càng trở nên sôi động hơn, khi nghệ sỹ Thành Lê, nghệ sỹ Kim Liên và nhóm múa của Nhà hát Chèo biểu diễn hát văn và 3 giá hầu đồng: “Cô Bơ”, “Cậu Hoàng Bơ” và “Cô đôi Thượng ngàn”. Các khán giả cả trong và ngoài nước ai nấy đều lắc lư theo điệu hát, điệu nhảy của nghệ sỹ trên sân khấu...
Ngồi chăm chú theo dõi chương trình biểu diễn từ đầu đến cuối, chị Cosima Mcrae, du khách Ôxtrâylia, hào hứng cho biết, đây là lần thứ hai chị đến Việt Nam, nhưng là lần đầu tiên chị được xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc lạ và hấp dẫn đến như vậy. Không chỉ đặc sắc về phần âm nhạc với những giai điệu lạ, rất đặc biệt khác với những quốc gia khác mà chị từng biết, mà trang phục của diễn viên cùng với phong cách biểu diễn sinh động đã khiến chị rất thích thú. “Tuy nhiên, tôi rất tiếc là mình đã không thể hiểu được ý nghĩa của những lời bài hát mà các nghệ sỹ biểu diễn, mà tôi tin là lời bài hát sẽ rất có ý nghĩa. Giá như có một cách nào đó, để tôi cũng như mọi du khách nước ngoài khác có thể hiểu được lời của từng bài hát này, thì tôi sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn nữa về nghệ thuật truyền thống của các bạn” - chị Cosima Mcrae cho biết.
Còn anh Danniel, du khách đến từ Anh thì lại thấy rất ấn tượng với tiết mục biểu diễn 3 giá hầu đồng của các nghệ sỹ. Anh chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ được nghe cũng như chứng kiến một cái gì đó tương tự như vậy. Tiết mục đó vừa có hát, có nhảy múa rất điêu luyện và đặc biệt là trang phục biểu diễn rất đẹp, rất rực rỡ. Tôi đặc biệt ấn tượng và hy vọng, lần sau trở lại sẽ được xem những chương trình nghệ thuật hấp dẫn như vậy...”.
Không chỉ du khách nước ngoài, mà có khá nhiều khán giả Việt Nam cũng đến xem và rất thích thú với chương trình biểu diễn này. Ông Lại Văn Trai (Hà Nội), năm nay đã gần 80 tuổi, khi biết tin về chương trình biểu diễn đã bắt taxi đến xem. Ông Trai cho biết: “Nghe thông tin về chương trình biểu diễn, nên tôi đến xem. Chương trình rất ý nghĩa, các tiết mục khá đầy đủ từ biểu diễn nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, sáo trúc, đến hát chèo, hát xẩm, hát văn... Tôi nghe thấy gần gũi, thân quen và rất xúc động”.
Hướng phát triển của bảo tàng hiện đại
Chị Phùng Thị Tú Anh, cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, kể từ khi mở cửa trở lại (năm 2010), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã có ý tưởng xây dựng một chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước. Mục đích mà bảo tàng hướng tới là muốn cho mọi du khách thấy bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ, mà còn có nhiều hoạt động khác để bảo tàng trở nên sống động, hấp dẫn hơn đối với du khách trong và ngoài nước. Và chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc “Âm sắc Việt Nam” là một trong các hoạt động đó. Ví dụ, khách vào xem trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu của bảo tàng, lại được tận mắt xem biểu diễn các giá hầu đồng trong chương trình nghệ thuật, như vậy, du khách sẽ thấy bảo tàng thật sống động và họ hiểu hơn ý nghĩa của những phần trưng bày này.
Theo các nghệ sỹ của Nhà hát Chèo Việt Nam, để tránh sự nhàm chán, nội dung chương trình sẽ được thay đổi linh hoạt. Cũng vẫn có đủ các loại hình hát chèo, hát xẩm, hát văn, nhưng các bài hát sẽ khác nhau, nghệ sỹ biểu diễn khác nhau. Trước mỗi tiết mục, các nghệ sỹ sẽ có lời dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, để giúp khán giả có những hình dung đơn giản nhất về loại hình nghệ thuật mà họ đang thưởng thức.
Tham khảo ý kiến của một số công ty du lịch, đa số các ý kiến đều cho rằng, với thời gian 1 tiếng đồng hồ, chương trình “Âm sắc Việt Nam” có nội dung phong phú, đảm bảo tính nghệ thuật, sẽ tạo sự hứng thú cho du khách. Nếu như chương trình biểu diễn nghệ thuật “Âm sắc Việt Nam” trở thành hoạt động hàng tuần, thì du khách sẽ có thêm một “món ăn” hấp dẫn nữa trong hành trình khám phá Hà Nội. Tuy nhiên, các công ty du lịch cũng cho rằng, bảo tàng nên dịch lời của bài hát thành 4 thứ tiếng thông dụng, in thành cataloge hoặc tờ rơi để du khách nước ngoài có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của những bài hát mà các nghệ sỹ biểu diễn trong chương trình. Và bảo tàng cũng có thể phối hợp với các đơn vị nghệ thuật, các công ty băng đĩa phát hành những chiếc đĩa CD về các chương trình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và bày bán tại nơi biểu diễn. Vì thực tế là có một số du khách sau khi nghe xong chương trình, rất muốn mua những chiếc đĩa CD về để tặng cho người thân, nhưng lại không biết tìm mua ở đâu.
Các chuyên gia về bảo tàng đánh giá, hoạt động này của Bảo tàng Phụ nữ đã tạo sự gắn kết giữa văn hóa với các hoạt động của bảo tàng và du lịch. Vừa làm sống động các hoạt động của bảo tàng, vừa góp phần tôn vinh, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc đến với du khách, vừa góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch có chất lượng. Và đây là hướng phát triển bền vững đối với các bảo tàng hiện đại ngày nay.
Bài và ảnh: Phương Lan