“Nhập đồng” mỗi khi sáng tác
NĐK Triệu Tiến Công hiện là thầy giáo mỹ thuật của trường Trung học Cơ sở Tiên Lương, Phú Thọ.
Lối vào nhà của anh được thiết kế khá ấn tượng, vòm cổng cổ kính phủ đầy rêu, cây nhỏ li ti mềm mại quấn quanh hai bên tường. Bên trong ngôi nhà, cả trên gác, đều được anh tận dụng vị trí để bầy biện các tác phẩm của mình với chất liệu từ gỗ mộc, gốm làm từ đất nung, gốm phủ đồng hoặc nhôm.
Nhớ về chữ duyên đối với nghề sáng tác, dù mới chỉ được 6 năm nhưng “điêu khắc” đã ngấm trong anh từ thủa bé. “Ký ức tuổi thơ của tôi là say mê nặn các con giống bằng đất bồi phù sa hoặc tạc tượng trên các chất liệu gỗ và đất mộc. Tôi lớn lên ở miền quê sông nước, ruộng đồng nên thường nặn, tạc tượng trên lưng trâu, thế rồi niềm đam mê điêu khắc đã nuôi dưỡng và hình thành từ lúc nào không hay”, NĐK Triệu Tiến Công kể.
Con đường theo nghệ thuật chuyên nghiệp của nhà giáo, NĐK Triệu Tiến Công bắt đầu khi anh theo học tại trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc. Tại đây, anh được các thầy, cô giáo chỉ bảo tận tình và với tinh thần ham học hỏi, say mê với nghệ thuật, Triệu Tiến Công đã đạt giải Nhì với tranh cổ động “Hoa Hướng Dương”. Đây chính là giải thưởng đầu tiên và cũng là giải thưởng chắp cánh để NĐK Triệu Tiễn Công tiếp tục con đường đam mê và đạt được những giải thưởng sau này.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, NĐK cho biết: Chất liệu gốm được anh lựa chọn là gốm mộc không phủ men. Đất được lấy từ Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc, được gọi là gốm sành Hương Canh vì giới trong nghề cho rằng, trong chất đất đó có nhựa tự chảy ra như là men, đẹp tự nhiên. “Cả hành trình sáng tác những năm qua, tôi thường lấy cảm hứng về người phụ nữ, là câu chuyện dài thú vị mà tôi muốn kể của mạch với nguồn năng lượng cảm xúc khó tả. Trong tạo hình, người phụ nữ có hình khối chuyển động, quan trọng hơn nữa có đường cong mềm mại uyển chuyển của tạo hóa ban tặng, nhất là phụ nữ vùng cao”, NĐK Triệu Tiến Công cho biết.
Vừa ngồi đắp đất, xoay, cắt gọt chỉnh tỉ mỉ “Người mẹ bồng con”, tác phẩm mới được tạo hình từ đất, NĐK Triệu Tiến Công vừa chia sẻ: “Để có được tác phẩm hoàn chỉnh, tôi phải chuẩn bị từ khâu đất nặn, đắp cốt, tạo hình. Khi tạo hình xong, tác phẩm phải được để khô rồi mới đem vào lò nung trong vòng 2 ngày, 1 đêm với nhiệt độ 1.250 độ C. Ưu điểm của lò thủ công là dùng than củi, giúp tác phẩm có gam màu đẹp, sắc nét, tạo được khối lồi lõm theo ý đồ thiết kế của tác giả”. Thông điệp mà Triệu Tiến Công muốn gửi gắm qua tác phẩm trên nhằm đề cao tình mẫu tử thiêng liêng với phom dáng được thiết kế phá cách.
Nhằm thỏa mãn với đam mê nghệ thuật của mình, anh đã đi nhiều nơi để trải nghiệm thực tế, đến tận nơi dân cư ở vùng cao để hiểu rõ hơn về đất và người, về những nét văn hóa đặc trưng, những trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc thiểu số để tìm cho mình những sắc thái biểu đạt bằng cách ký họa. Anh chụp hình lấy tư liệu, nghiên cứu và khảo cứu đời sống sinh hoạt của họ để từ đó có ý tưởng cho cảm xúc sáng tác nghệ thuật. Mỗi bức tượng anh tạc là một người phụ nữ đại diện cho một dân tộc thiểu số mà không hề bị trùng lặp.
Đến với phòng trưng bày của gia đình anh, nhiều người khá thích thú với tác phẩm “Yoga” được Triệu Tiến Công sáng tác bằng chất liệu gốm phủ đồng; cập nhật xu hướng phát triển của thời đại mới, đó là người phụ nữ hiện đại có hình thể khỏe đẹp khi luyện thể thao.
Sau giờ lên lớp hằng ngày, NĐK Triệu Tiến Công hiện dành phần lớn thời gian cả đêm và ngày để sáng tác và hoàn thiện nốt các tác phẩm để ra mắt triển lãm cá nhân năm 2023 với 100 tác phẩm điêu khắc về chủ đề người phụ nữ Việt Nam. Anh lựa chọn đề tài phụ nữ, các tác phẩm được làm trên nền chất liệu gỗ như một thách thức cho chính bản thân mình. Chất liệu gỗ đã khó, kích thước lớn, số lượng nhiều, lại còn tốn kém cả kinh phí, sức khỏe. “Vì đam mê, tôi cứ có tiền là mua gỗ về đục. Nhiều lúc chi tiêu sinh hoạt trong gia đình gặp nhiều khó khăn vì tôi đã dồn hết tiền vào đam mê của bản thân”, Thầy giáo mỹ thuật Triệu Tiến Công trải lòng.
Mỗi tác phẩm sẽ mang một dấu ấn riêng: Trẻ em với hình dáng hồn nhiên hây hây; người phụ nữ mang trên mình những gánh nặng cuộc đời từ khi mang bầu và gồng gánh cả trách nhiệm với gia đình, xã hội; người già có dáng hình tần tảo, lưng còng, khuôn mặt già nua vì thời gian...
Mong khôi phục làng nghề, đưa hoạt động trải nghiệm vào giáo dục
“Tôi là người con của quê hương đất Tổ nên luôn tâm niệm mình phải giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc dân tộc; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về mảnh đất - con người Phú Thọ đến với công chúng yêu nghệ thuật. Mong muốn của tôi là góp phần nhỏ bé của mình trong việc khôi phục làng nghề, đưa hoạt động trải nghiệm vào giáo dục, phát triển kinh tế. Không gian thuần Việt lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, gắn kết du lịch với làng nghề”, thầy giáo, NĐK Triệu Tiến Công chia sẻ.
Để làm được điều đó, anh đã thiết kế không gian làng quê mang tính homestay không chỉ cho cộng đồng trải nghiệm mà con phục vụ khách nước ngoài, đặc biệt chuỗi du lịch 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, trong đó địa điểm được anh chọn thiết kế nằm trên trục đường quốc lộ 32C khu Bình Minh - Tăng Xá - Cẩm Khê (đoạn đường đi từ Đền Mẫu đến Đền Hùng, thuận lợi cho chuỗi du lịch về nguồn).
Hiện trong không gian nhỏ tại nhà riêng, anh đã xây dựng xưởng gốm mang tên “Gốm Công” và mong ước sẽ đưa được nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến thăm quan thưởng lãm. Khi tham gia, du khách sẽ được trải nghiệm tự mình nhào nặn ra những sản phẩm gốm, tạo hình, trang trí lên sản phẩm của mình theo ý tưởng riêng của bản thân. Không những vậy, Thầy giáo, NĐK này còn có khát vọng khôi phục Làng nghề gốm sứ Minh Xương cũ nay thuộc khu Bình Minh, thôn Tăng Xá để tạo công ăn việc làm cho ngươi dân nơi đây.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức cụ thể về kế hoạch phát triển du lịch, Thầy giáo, NĐK Triệu Tiến Công cho biết: “Dự kiến từ nay đến năm 2025, ‘Gốm Công’ sẽ đi vào hoạt động sản xuất, thu hút đối tượng khách tham quan, tham gia trải nghiệm là các học sinh, sinh viên, họa sỹ, nhà điêu khắc. Với không gian diện tích rộng trên 500 m2, không gian thân thiện gần gũi thiên nhiên, các vật liệu gỗ, tre, đá, gốm có thể phục vụ cá nhân và tập thể số với người từ 20 - 30 người”.
NĐK Triệu Tiến Công luôn có nguyện vọng được cống hiến hết mình cho nghệ thuật và giảng dạy. Anh luôn hướng tới lớp trẻ được học gì? được làm gì? với nghệ thuật; ấp ủ đặt nền móng cho việc đưa điêu khắc, hội họa vào trường học để khơi gợi niềm say mê nghệ thuật với con trẻ. Mong rằng, tâm hồn nghệ thuật cháy bỏng, tình yêu quê hương đất nước của anh sẽ truyền lại cho thế hệ đất Tổ mai sau.
Năm 2017, NĐK Triệu Tiến Công đã có 3 cuộc triển lãm cá nhân trong chuỗi sự kiện về giáo dục như: Phương pháp dạy học Đan Mạch do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động tại tỉnh Phú Thọ; mở Triển lãm tranh và tượng với chủ đề “Đất và người trung du” gồm 20 tác phẩm hội hoạ, 50 tác phẩm điêu khắc.
Mới đây, NĐK Triệu Tiến Công Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2022 Giải C với tác phẩm "Giữ trọn bản sắc", thể loại: Điêu khắc gỗ. Nhân dịp tỉnh Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu, Trung tâm văn hóa lễ hội Đền Hùng đã mời anh tổ chức cuộc triển lãm gắn với chủ đề lịch sử của vùng đất trung du với tên gọi “Lời ru nguồn cội”. Triển lãm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách thập phương và cũng là sáng kiến quan trọng để ngành văn hoá du lịch tỉnh Phú Thọ áp dụng vào mỗi dịp lễ hội tháng 3 Âm lịch…