Bâng khuâng cổng ngõ phủ Đệ

Di sản kiến trúc thời Nguyễn còn lại ở Huế, ngoài lăng tẩm, đền đài… phải kể đến nhà ở của các ông hoàng, bà chúa và các quan lại, gọi chung là phủ đệ. Nó góp phần không nhỏ vào bản sắc nghệ thuật kiến trúc Huế.

Vua Minh Mạng có tất cả 142 người con. Khi họ đến tuổi trưởng thành vua không cho ở trong Tử Cấm thành mà bắt phải ra ngoài xây các phủ đệ. Sơ sơ tính cũng 100 cái lớn nhỏ... Mỗi vị một dinh cơ riêng, theo sở thích cá nhân, mỗi nhà mỗi kiểu dáng và lề lối kiến trúc không ai giống ai. Tiện thể cũng cần phân biệt cách gọi phủ và đệ. Phủ là dinh cơ của quý ông. Đệ là dinh cơ của quý bà.

Cổng phủ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm.


Phủ đệ gây ấn tượng nhất nơi cái cổng ngõ. Mỗi cái mỗi kiểu, mỗi vẻ, để biểu hiện đẳng cấp, giới tính, chức vị, tính cách và tâm hồn của gia chủ. Đa dạng như vậy, nhưng chủ nhân vẫn phải tuân thủ những quy định, lề luật, quan điểm trong kiểu thức kiến trúc thời Nguyễn. Như hình rồng chỉ được sử dụng đối với các ông hoàng, hình chim phụng với các bà chúa. Các chi tiết mặt trăng, mặt trời, tứ linh hay thơ văn được khảm trên tọa đăng đều có phép tắc, nếu làm sai chủ nhân bị bãi chức tước ngay.

Đi từ trung tâm thành phố Huế về phía biển Thuận An một cây số, trên đường Nguyễn Sinh Cung (phường Vỹ Dạ) sẽ gặp chiếc cổng phủ “Tuy Lý Vương” còn khá nguyên vẹn, cổ kính, trang nghiêm. Thời Nguyễn, cổng tam quan (ba cái vòm) như thế chỉ được phép xây cho phủ đệ của ông hoàng, bà chúa. Dân gian quen thói “nhìn mặt đặt tên”, gọi phủ của Tuy Lý Vương là “phủ ba cửa”. Thăm Huế, bạn chỉ nói “về phủ ba cửa” là taxi, xích lô sẽ chở đến nơi đến chốn - đây thôn Vĩ Dạ, tha hồ nếm đặc sản Huế xịn

Đến thời điểm này, cái vương phủ đẹp trầm lắng nhất là phủ “Lạc Tịnh Viên”ở đường Phan Đình Phùng. “Lạc Tịnh Viên” được hiểu đơn giản là tạo cho riêng mình một cõi đi về yên vui, thanh tịnh. Nhưng lộng lẫy nhất thì phải kể đến“An Định Cung” ở đường Phan Đình Phùng. Nó bề thế, hoành tráng từ cái cổng tam quan, trang trí bằng những hình nổi khảm sành sứ, nổi bật ba chữ “An Định Cung” vàng chói. Đây là phủ của Hoàng tử Phụng Hóa (Bửu Đảo), sau này ông trở thành vua Khải Định. Nó may mắn ít bị chiến tranh tàn phá, sau này lại còn được Nhà nước tu bổ nhiều nhất.

Theo các nhà nghiên cứu, cổng ngõ là công đoạn chủ yếu trong quy trình xây dựng phủ đệ. Cổng xây gạch chắc chắn, tường rất dày để có thể bền vững hàng trăm năm. Vòm cổng chiếm nhiều diện tích nhất, trang trí hoa văn, họa tiết. Trên cửa viết tên của phủ đệ, tả hữu có câu đối (chữ Hán) nội dung thể hiện quan điểm sống hay công trạng của chủ nhân. Tổ chức phủ đệ xếp đặt theo một trình tự duy nhất, từ ngoài vào: Cổng, ngõ, bình phong, hồ nước, sân và nhà Mọi việc sửa chữa cổng ngõ, dù lớn hay nhỏ, nhất nhất tuân thủ phép phong thủy, để mong gia đình được sống an lạc.

Đi loanh quanh giữa Huế, giờ thi thoảng vẫn gặp “lá trúc che ngang mặt chữ điền”, thấp thoáng đằng sau chiếc cổng xanh rêu trăm năm tuổi. Nhà cổ có thể được sửa chữa, hiện đại hơn. Nhưng gia tộc vẫn gìn giữ cái cổng xưa như muôn thuở, lấy đó làm nỗi niềm trân trọng gửi về quá khứ, nét Huế, con người Huế. Cổng ngõ phủ đệ đã đóng góp vào “Cố đô” một vẻ đẹp sâu lắng, cổ kính.

Bài và ảnh: Vũ Hào
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN