Thích ứng nhanh với đại dịch COVID-19, những bảo tàng lớn như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ứng dụng công nghệ triệt để giới thiệu các nội dung trưng bày, tiếp cận công chúng trong thời điểm giãn cách xã hội. Vì thế, dù đóng cửa nhưng khách "online" vẫn tấp nập ghé thăm bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giới thiệu trưng bày, giáo dục. Từ năm 2013, bảo tàng này đã ứng dụng công nghệ tương thực tế ảo (3D) giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề.
Vì thế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhanh chóng cập nhật ứng dụng công nghệ 3D, bổ sung nội dung thông tin, hoàn thiện chuyên đề giới thiệu bảo tàng ảo 3D chuyên đề "Bảo vật quốc gia" lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được giới thiệu tại địa chỉ https://baovatquocgia.baotangso.com.
Trong đợt dịch thứ 4, chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến với chủ đề: "Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần" tổ chức từ ngày 12/9 đã thu hút gần 100 khách tham dự, được phân vào 2 phòng zoom. Hình thức tham quan online được kết hợp giữa thuyết minh với ứng dụng công nghệ 3D trên website bảo tàng, cùng các phần mềm PowerPoint, Menti, trình chiếu video... Các lớp học"Giờ học lịch sử online" là hoạt động giáo dục hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh, trẻ em tham gia được thay đổi nhanh chóng từ hình thức trực tiếp sang hình thức học online thông qua ứng dụng zoom.
Sau một thời gian thử nghiệm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour, được tích hợp trên website vnfam.vn. Với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh, công chúng ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và nghe lời giới thiệu chung về các chủ đề trưng bày. Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra.
Lưu giữ lượng lớn tài liệu, hình ảnh lịch sử, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số. Không gian kết nối 3D về Hà Nội thông qua triển lãm trực tuyến “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức đúng thời điểm kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô10/10 đã gây tiếng vang lớn trong công chúng bởi tính hấp dẫn và những hình ảnh quý giá chưa được công bố về Hà Nội xưa.
Câu chuyện chuyển đổi số không phải chỉ ở những thành phố lớn mà đã được nhiều bảo tàng ở các địa phương nhanh nhạy nắm bắt. Nhận thức chuyển đổi số là xu thế tất yếu, Bảo tàng Đắk Lắk đã có bước chuyển mình nhanh chóng bắt nhịp với công nghệ số để áp dụng vào một số hoạt động như: số hóa các hiện vật trưng bày; triển khai việc tổ chức bảo tàng 3D trên website của đơn vị, xây dựng lộ trình thực hiện trưng bày ảo tại Bảo tàng Đắk Lắk; số hóa di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt, trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2021, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức trưng bày trực tuyến chuyên đề "Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên" tạo được hiệu ứng khá tốt trên website daklakmuseum.vn và các kênh mạng xã hội Youtube, Fanpage của đơn vị. Những tác phẩm trưng bày chủ yếu được số hóa từ những thước phim âm bản, phim dương bản của nhà nhân chủng học người Mỹ Joseph Michel Carrier (1927 - 2020) và các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước.
Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, từ tháng 6/2021, các không gian trưng bày, giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng Đắk Lắk cũng đã áp dụng công nghệ 3D. Hiện có khoảng 130 hiện vật tại bảo tàng được xây dựng cơ sở dữ liệu 3D. Số hiện vật còn lại cũng được bảo tàng xây dựng phần mềm kỹ thuật số để tích hợp thành một hệ thống quản lý tổng thể và thống nhất.
Chỉ đạo công tác chuyển đổi số tới các bảo tàng, khu di tích trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là một trong những hoạt động cần thiết mà các bảo tàng, di tích cần chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới. Mỗi bảo tàng, di tích cũng cần xác định sự thích ứng cần thiết trong điều kiện mới. Ngoài hình thức tham quan trực tiếp, còn có nhiều con đường khác để thu hút du khách mà hình thức tham quan trực tuyến sẽ trở thành một xu thế tất yếu, lâu dài".
Bằng việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, các bảo tàng đang từng bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ VHTT&DL trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.