Loại hình di sản độc đáo
Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư hiện còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất, con người nơi đây. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã Trường Yên có 55 nhà truyền thống nằm rải rác trong toàn xã với kiến trúc đặc trưng là nhà gỗ 3 gian, 5 gian, phần lớn đều được làm bằng gỗ lim, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Nhà truyền thống ở Trường Yên không đơn thuần chỉ là nơi ở, nơi sinh hoạt của mỗi gia đình mà còn là nơi tích tụ một hàm lượng văn hóa, kiến trúc đặc biệt; phản ánh đầy đủ những giá trị về nghệ thuật điêu khắc, tổ chức không gian sống, nghệ thuật ứng xử với thiên nhiên của ông cha. Vẻ đẹp đó được bồi đắp dần, lưu truyền trong thời gian dài, là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương. Tuy nhiên, trải qua thời gian, những nếp nhà này đang xuống cấp và cần có giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Huy Tuấn là một trong số ít những ngôi nhà cổ ở thôn Trường Sơn, xã Trường Yên còn lưu giữ được kiến trúc truyền thống. Với hơn 100 năm tuổi, ngôi nhà đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử mà vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, tinh tế của ngày xưa. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi nhà hiện vẫn giữ được nguyên vẹn những nét kiến trúc đặc trưng của nhà gỗ vùng đồng bằng Bắc bộ. Dưới mái nhà này, nhiều thế hệ gia đình ông Tuấn đã cùng sinh sống, gìn giữ truyền thống văn hóa của đất và người vùng đất kinh kỳ xưa.
Ông Nguyễn Huy Tuấn, xã Trường Yên chia sẻ, ngôi nhà cổ của gia đình không chỉ đẹp về đường nét kiến trúc mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Ngôi nhà không chỉ là nơi tiếp khách, thờ tổ tiên, nghỉ ngơi và sinh hoạt của gia đình mà còn là biểu tượng của sự gắn kết các thành viên gia đình qua nhiều thế hệ. Giữ gìn, bảo tồn ngôi nhà chính là giữ gìn nền nếp gia phong và truyền thống văn hóa quê hương.
Được xây dựng từ năm 1945, ngôi nhà gỗ của gia đình ông Lưu Đức Nam, thôn Khê Thượng, xã Ninh Xuân có kết cấu 30% gỗ lim, còn lại là gỗ xoan, phần mái được lợp ngói, hệ thống cột và bậc bằng đá. Ngôi nhà đặc biệt thoáng mát vào mùa Hè, ấm áp vào mùa Đông. Không gian bên trong chia thành các gian nhà với chức năng thờ cúng, nghỉ ngơi và tiếp khách. Qua thời gian sử dụng, ngôi nhà đã có một số hạng mục xuống cấp, gia đình đã tu bổ, sửa chữa nhưng vẫn đảm bảo nguyên trạng hệ thống bậc đá và cột đá của ngôi nhà.
Xã Ninh Xuân có diện tích trên ̣900 ha, trong đó có trên 90% diện tích nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An. Ông Đinh Lệnh Ban, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết, đối với các hộ gia đình trên địa bàn có nhà cổ, UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể, thôn xóm tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của các công trình xây dựng này. Đồng thời có biện pháp tu sửa, cải tạo những căn nhà cổ đã cũ kỹ, xuống cấp, hư hỏng để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Phát huy giá trị nhà ở truyền thống
Quần thể danh thắng Tràng An là khu di sản hỗn hợp có quy mô khá lớn bao trùm nhiều khu vực dân cư hiện hữu, cùng với đó là hệ thống di tích, các công trình lịch sử - văn hóa ghi dấu ấn qua các triều đại. Các nhà ở truyền thống trong khu vực còn lưu giữ lại thói quen, tập quán truyền thống sinh kế lâu đời của người dân địa phương, là nguồn tài nguyên cần nhận diện, bảo tồn và khai thác gắn với phát triển du lịch bền vững. Do vậy, việc bảo tồn nhà cổ, giữ gìn kiến trúc làng quê truyền thống đảm bảo hài hòa với cảnh quan khu di sản là rất cần thiết và cần được khuyến khích.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong vùng lõi Di sản Tràng An còn khoảng trên 100 nếp nhà có kiến trúc truyền thống tiêu biểu được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân của huyện Hoa Lư. Những nhà truyền thống này thường có kiến trúc 3 gian, 2 chái có niên đại khoảng từ 50 năm và lâu đời nhất khoảng hơn 100 năm theo kiểu nhà gỗ đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Dù về kiến trúc, vật liệu xây dựng có sự khác nhau song những ngôi nhà cổ này đều là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển. Bởi thế, nhà cổ từ lâu đã được coi là một loại hình di sản độc đáo, không chỉ đẹp về đường nét kiến trúc mà còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, trong đó có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (gồm hỗ trợ tu bổ, sửa chữa nhà ở mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống có tuổi đời từ 50 năm trở lên trong vùng lõi Di sản; hỗ trợ xây dựng mới nhà ở trong vùng lõi Di sản)... Các địa phương trong khu di sản cũng đã và đang phối hợp với Ban Quản lý danh thắng Tràng An tuyên truyền sâu rộng tới người dân về nội dung Nghị quyết, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xây dựng nhà mới, bảo tồn nhà cổ, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa trong Khu Di sản thế giới Quần thể danh thắng.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình khẳng định, nhà cổ từ lâu được coi là một loại hình di sản độc đáo cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các nhà ở truyền thống đã xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị phá dỡ nếu không có biện pháp trùng tu kịp thời. Do đó, địa phương cần phải có biện pháp giữ gìn, bảo tồn nhà cổ truyền thống cũng như quy hoạch kiến trúc khu vực nông thôn sao cho hợp lý, vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Ninh Bình mong muốn xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt từ giá trị những ngôi làng truyền thống, cao hơn nữa là bảo tồn và phát huy hiệu quả và bền vững Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An xứng đáng là mô hình mẫu mực về bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định vai trò, tầm quan trọng của các giá trị nhà ở kiến trúc truyền thống, giá trị Di sản trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục xây dựng tiêu chí, lập danh mục các nhà ở truyền thống trong khu vực vùng lõi Di sản; tạo lập cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa nông thôn làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách hỗ trợ tu bổ, sửa chữa và khai thác phục vụ phát triển du lịch dựa trên bản sắc đặc trưng riêng có của Di sản. Đồng thời, tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư, bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thu hút du khách về tham quan Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.