Tọa đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông” do Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Hội Đông y Hoàn Kiếm tổ chức ngày 20/4 đã đề cập đến nhiều giải pháp giữ gìn, phát triển nghề Đông Nam dược và y học cổ truyền tại phố Lãn Ông.
Độc đáo con phố cổ
Phố Lãn Ông, kéo dài khoảng 180 mét, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, hiện thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (tức “phố Phúc Kiến”), do có nhiều Hoa kiều từ tỉnh Phúc Kiến đến sinh sống. Vào năm 1946, con phố này đã được đổi tên thành Lãn Ông, theo tên một danh y lừng danh của đất Việt.
Phố Lãn Ông nổi tiếng là nơi tập trung của nghề Đông y, buôn bán thuốc nam, thuốc bắc - loại thuốc y học cổ truyền. Mọi người đều biết đến là con phố chuyên kinh doanh về Đông Nam dược, với các biển hiệu bằng gỗ, bằng đồng cổ kính ghi tên các nhà thuốc đã tồn tại hàng trăm năm.
Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số Hoa kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ “Phó” đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Sau đó còn có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố, họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như: Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như: Nhân Chính, Đông Ngạc (Hà Nội), Hành Thiện (Nam Định)… Ngày nay, phố Lãn Ông vẫn sôi động với gần 50 cơ sở kinh doanh thuốc Nam và các Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, giữ vững nghề truyền thống giữa lòng Hà thành.
Bà Trần Thị Tuyết Mai, 77 tuổi, kinh doanh thuốc Đông Nam dược tại số 36 Lãn Ông cho biết: Dù có nhiều thăng trầm nhưng nghề Đông Nam dược vẫn được bà con trong phố gìn giữ và ngày càng phát triển. Cụ Tổ nghề Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sắp được thế giới vinh danh là Danh nhân Y học, là niềm tự hào của tất cả những người làm Đông y dược, song cũng là trách nhiệm với tất cả những người làm nghề phải học hỏi, duy trì và phát triển nghề sao cho xứng danh với tiếng thơm đã được hưởng. Bà con trong khu phố tiếp tục học hỏi, nghiên cứu, phát huy cao nhất giá trị nhân văn của nghề Đông y, góp phần nâng cao sức khỏe trong cộng đồng, duy trì nghề cho nhiều thế hệ mai sau.
Ngày nay, phố Lãn Ông chiếm gần 90% số hộ đăng ký kinh doanh thuốc Y học cổ truyền và Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Thuốc Đông Nam dược ở phố Lãn Ông cung cấp không chỉ Hà Nội mà khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ các loại thuốc cao cấp như: Đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi, cho tới các loại thảo dược khô hoặc tán bột, với đủ các sản vật từ miền núi cao như: Ngải tượng, hoài sơn, tam thất, tắc kè…, cho đến hải sâm, hải mã, ô tặc cốt… của miền duyên hải.
Nghề thuốc Đông y ở phố Lãn Ông không chỉ nổi tiếng với các kỹ thuật nghề, các phương pháp điều trị đa dạng, mà giá trị của nghề còn được thể hiện qua các Y huấn mà những bậc tiền nhân để lại, như Hải Thượng Lãn Ông với tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người”, tinh thần “học tập suốt đời” cùng Y huấn về 8 điều nên làm của một vị lương y là “Nhân – Đức – Lượng – Khiêm – Minh – Trí – Thành – Cần”, hay “Nam dược trị Nam nhân” của Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Cùng với chuyên doanh thuốc Đông Nam dược, các Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền của các lương y luôn tấp nập người đến thăm khám. Hiện nay, con em các lương y hầu hết đều có bằng cấp được đào tạo chuyên ngành bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền. Một số lương y cao tuổi hiện còn tham gia khám chữa bệnh y học cổ truyền như lương y Phạm Xuân Nội (số nhà 69 Lãn Ông), lương y Nguyễn Kim Bảng (số nhà 56 Lãn Ông), bác sĩ Tạ Văn Minh (số nhà 55 Lãn Ông)…
Bảo tồn một phố nghề quý
Trước đó, năm 2014 - 2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án trùng tu và chỉnh trang phố Lãn Ông để bảo tồn và phát huy giá trị của phố nghề truyền thống Đông Nam dược. Mục tiêu của dự án là bảo tồn, khôi phục không gian kiến trúc, không gian nghề y dược truyền thống trên phố Lãn Ông, chỉnh trang, nâng chất lượng các công trình kiến trúc qua các thời kỳ để mang lại cái nhìn toàn cảnh về lịch sử, văn hóa của con phố này. Quá trình triển khai trùng tu, chỉnh trang được người dân nhiệt tình ủng hộ. Sau khi hoàn thành, phố Lãn Ông mang một diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp, nhưng vẫn giữ được kiến trúc cũ.
Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của nghề Đông y và đưa ra thực trạng công tác phát triển Đông y cũng như phố nghề Lãn Ông. Ông Đậu Xuân Cảnh cũng đề xuất hướng phát triển đáp ứng yêu cầu gắn kết phát triển Đông y, phố nghề Lãn Ông với du lịch và bảo tồn di sản văn hóa Đông y.
Bên cạnh đó, quan điểm về xu hướng “vừa làm thuốc chữa bệnh, vừa kết hợp với du lịch” nhận được sự quan tâm của nhiều người. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản bày tỏ quan điểm, cần tăng cường loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe bởi nó đem lại nhiều ý nghĩa tích cực và phù hợp với giai đoạn hiện nay. Song để làm được điều này cần nâng cao chất lượng sản phẩm và kĩ năng chuyên môn của các lương y, cùng với đó là sự hỗ trợ sát sao của các cơ quan, bộ, ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực Đông y.
Phố nghề Lãn Ông hiện cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn cho người dân Thủ đô và du khách trong và ngoài nước, góp phần vào quảng bá hình ảnh nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phố nghề nói riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và nói chung của thành phố Hà Nội.