Lan tỏa di sản quý giá của dân tộc
Xuất phát từ niềm mê với loại hình hát Then, đàn tính, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã mở các lớp truyền dạy hát Then. Những lớp học này đã tạo nên luồng sinh khí mới, góp phần lan tỏa di sản Then quý giá của dân tộc.
Lớp học Then ở thành phố Cao Bằng của nghệ nhân Triệu Bích Phượng (Tổ 7, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng) được thắp lên bởi niềm đam mê. Học viên tại lớp học có đủ mọi lứa tuổi, cùng có chung tình yêu với hát Then, đàn tính. Dù không thu học phí, nhưng lớp học có giáo trình và được truyền dạy các kiến thức bài bản. Nghệ nhân Triệu Bích Phượng cho biết, bà đã mạnh dạn biên soạn cuốn tài liệu giảng dạy hát then đàn tính để cho nhiều người dân biết về môn nghệ thuật này. Bà thường mở lớp dạy hát Then đàn tính vào dịp hè để thu hút thêm nhiều người trẻ.
Tại xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, từ năm 2009 đến nay, Nghệ nhân Ðinh Văn Thức đã mở nhiều lớp truyền dạy hát dành cho người yêu Then. Nghệ nhân Thức chia sẻ, hơn 10 năm mở lớp dạy hát Then, đàn tính, ông đã truyền dạy cho hơn 500 học viên; tất cả các lớp học đều miễn phí, với mục tiêu gìn giữ, truyền nối và phát huy các giá trị của nghệ thuật độc đáo này.
Từ các lớp học miễn phí của các nghệ nhân, cùng quá trình trau dồi, tập luyện, nhiều học viên đã thành thạo, biểu diễn phục vụ công chúng, góp phần quảng bá rộng rãi những giá trị của hát Then, đàn tính.
Bên cạnh các lớp dạy miễn phí, các địa phương trong tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều câu lạc bộ gìn giữ và bảo tồn dân ca, dân vũ dân tộc Tày - Nùng nói chung và hát Then đàn tính nói riêng. Các câu lạc bộ sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện, tập hợp các hạt nhân yêu thích loại hình nghệ thuật hát Then.
Câu lạc bộ Bảo tồn các làn điệu dân ca xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng được thành lập từ năm 2017. Đến nay, câu lạc bộ đã tập hợp được trên 30 thành viên và thường xuyên duy trì tập luyện. Các buổi tập luyện là dịp để các thành viên đặt lời Then mới, có nội dung gần gũi với cuộc sống hằng ngày.
Bà Nông Thị Hoài, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn các làn điệu dân ca xã Vân Trình cho biết, để thành lập câu lạc bộ, bà đã đến từng nhà, giải thích cho người dân hiểu về giá trị của hát Then, đàn tính. Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay hơn 30 thành viên thường xuyên tham dự các liên hoan văn nghệ quần chúng do địa phương tổ chức.
Huyện Quảng Hòa cũng đã tổ chức nhiều câu lạc bộ truyền dạy hát Then, đàn tính, múa Then chầu ở các xã Ngọc Động, Tự Do, Hạnh Phúc, Hồng Quang… Trưởng phòng Văn hóa huyện Quảng Hòa Đàm Thị Chiến cho biết, những câu lạc bộ này đã góp phần bảo tồn và phát huy, quảng bá hát Then, đàn tính, đồng thời phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.
Trao truyền qua các thế hệ
Ở cấp tỉnh, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng là nơi gìn giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca, trong đó có di sản hát Then. Với mục tiêu đó, những năm qua, Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các nghệ sĩ, nghệ nhân có tâm huyết tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật đàn và hát dân ca, hát Then, đàn tính xây dựng các chương trình văn nghệ, hội thi hát dân ca, từng bước đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân…
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng, từ khi mới thành lập hội với 70 hội viên đến nay Hội đã phát triển 10 chi hội với trên 2.000 hội viên tự nguyện tham gia, góp phần tạo nên phong trào hát Then, đàn tính sâu rộng trên địa bàn…
Tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025.
Theo bà Ngô Thị Cẩm Châu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, đơn vị đã triển khai công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng; đề xuất những giải pháp để bảo tồn Di sản phi vật thể nói chung và hát Then nói riêng.
Năm học 2023 - 2024, ngành Văn hóa đã phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo đưa hát Then vào giảng dạy thí điểm ở một số trường học. Đây là cơ sở để tỉnh hiện thực mong muốn truyền dạy hát Then cho học sinh trên địa bàn, khơi gợi thêm cho thế hệ trẻ niềm yêu mến loại hình di sản văn hóa này, cũng như góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ bảo tồn hát Then, đàn tính. Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh hoạt động liên hoan hát Then, đàn tính ở cấp cơ sở; truyền dạy hát Then trong các trường nội trú. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đẩy mạnh sưu tầm, thu âm và thường xuyên phát sóng các làn điệu hát Then, đàn tính; tôn vinh các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy loại hình Then…
Nhờ những nỗ lực của các cấp, ngành và người dân, nghệ thuật hát Then, đàn tính đã được "đánh thức" trong đời sống văn hóa nhân dân, góp phần gìn giữ và trao truyền Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại qua các thế hệ.