Bảo tồn giá trị độc đáo
Đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An sinh sống rải rác ở các huyện: Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quế Phong và đều tôn vinh những vũ điệu cồng chiêng.
Cồng chiêng của người Thổ gồm 4 chiếc, trong đó 3 chiếc được treo lên, 1 chiếc cầm tay. Cồng được đánh thành 3 nhịp, mới vào đánh nhịp chậm, sau 1 lúc đánh nhanh và cuối cùng khi mọi người đã hứng khởi thì đánh nhịp nhảy lên. Với người Thổ ở Nghệ An, dịp lễ hội, đám cưới hay ma chay…, họ đều tổ chức đánh cồng chiêng. Nét văn hóa này đã truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân nơi đây.
Tiếng cồng chiêng gắn bó với họ trong suốt cuộc đời, ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được cha mẹ bồng đi xem hát múa cồng chiêng. Khi lớn dần, tiếng cồng chiêng cũng ngấm vào máu thịt, họ đánh cồng chiêng thành thạo, biết hát, nhảy các vũ điệu dân gian. Đến lúc trưởng thành, từ các lễ hội cồng chiêng, hát đối để giao duyên, tìm kiếm bạn đời. Đến khi qua đời, cũng được tiếng cồng chiêng đưa tiễn.
Theo bà Trương Thị Thống (thành viên câu lạc bộ Cồng chiêng xóm Long Thọ, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ): Mỗi bản cồng chiêng là dành riêng cho một sự kiện quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Thổ. Đó cũng là lời tâm tình của lòng người với trời đất, núi rừng, lời tâm sự của các đôi trai gái tìm duyên để hát đối đáp nhau. Qua đó, biết bao đôi trai gái người Thổ đã nên duyên vợ chồng.
Câu lạc bộ Cồng chiêng của xã Giai Xuân được thành lập năm 2022. Nhưng trước đó rất lâu, mọi người vẫn thường tụ tập ở nhà bà Thống để chơi cồng chiêng, hát múa và đan võng gai. Tại câu lạc bộ, các thành viên cùng nhau học đánh cồng chiêng, chia sẻ những điệu cồng chiêng của dân tộc. Ở xã, mọi người thường dạy truyền kinh nghiệm cho nhau theo kiểu truyền miệng, trí nhớ, sự quan sát và tự học hỏi...
Bộ cồng chiêng được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Thổ, được xem như một vật thiêng, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng; là nơi gửi gắm những tâm tư, tình cảm, gắn bó mật thiết trong cuộc sống tâm linh của đồng bào.
Ngày nay, cứ vào các dịp lễ, Tết, lễ mừng lúa mới hay lễ xuống đồng, đồng bào Thổ lại mở hội cồng chiêng. Thường vào các ngày đầu năm của Tết Âm lịch, người dân nơi đây chọn làm ngày đẹp để tổ chức hội cồng chiêng với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà đủ cái ăn, cái mặc, làng bản yên vui…
Không khí lễ hội trở nên rộn ràng tươi vui khi tiếng cồng chiêng hòa lẫn với tiếng hát và tiếng hò reo cổ vũ cho những thành viên tham gia các trò chơi dân gian truyền thống. Chị Trương Thị Lan Thương (xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: "Khi nghe tiếng cồng chiêng vang lên, tôi muốn hòa mình vào những âm thanh này".
Nỗ lực phục hồi, gìn giữ
Yêu cồng chiêng là thế nhưng đã có những khoảng thời gian dài, đồng bào nơi đây không được đánh cồng chiêng, tụ tập vui chơi, hát múa. Do kinh tế khó khăn, hầu như các nhà trong xóm đều đã bán hết các bộ cồng chiêng, trong đó có những bộ rất cổ.
Không chỉ có vậy, việc tìm kiếm, khôi phục các bài cồng chiêng cổ cũng khó khăn. Từ xưa tới nay, các bài cồng chiêng cổ thường chỉ được lưu truyền thông qua việc dạy truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do bị gián đoạn quá lâu, các vị cao niên trong xã lần lượt qua đời, mang theo các làn điệu, bài hát cồng chiêng cổ, không kịp truyền lại cho con cháu…
Ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết, xã có hơn 9.000 người, trong đó đồng bào Thổ chiếm gần 70%. Từ nhiều năm nay, ngoài việc chú trọng phát triển đời sống kinh tế, các cán bộ xã luôn tìm cách để khôi phục cồng chiêng và các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ.
Dù chính quyền xã đã nỗ lực duy trì và phát triển các câu lạc bộ nghề truyền thống, câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, các giá trị văn hóa, văn nghệ dần bị lãng quên, mai một. Không gian dành cho văn hóa của người Thổ bị thu hẹp, các nghi lễ truyền thống không còn được duy trì thường xuyên.
Để khôi phục văn hóa truyền thống cồng chiêng, năm 2020, xã Giai Xuân ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy một số bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Thổ giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, chính quyền xã đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi xóm phải có một bộ cồng chiêng, trống, kèn của xóm; sưu tầm, lưu giữ, phát huy và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ; thành lập một câu lạc bộ văn nghệ để tập luyện và duy trì các làn điệu văn hóa dân tộc Thổ. Hằng năm, xã đều đưa ra kế hoạch triển khai cụ thể.
Trăn trở vấn đề bảo tồn bản sắc dân tộc, ông Hoàng Văn Thái (người có uy tín làng Bui, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn) cho biết, đội cồng chiêng của làng rất đều tay. Ai cũng có thể chơi cồng, nhảy múa theo tiếng chiêng mỗi khi có việc. Để duy trì được bản sắc văn hóa cộng đồng, trong hương ước của làng đề cập rất rõ đến việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của người Thổ, đặc biệt lưu ý đến việc bảo tồn điệu cồng chiêng. Nhờ đó, câu lạc bộ cồng chiêng ở địa phương có thành viên từ 12 tuổi đến 80 tuổi. Mỗi dịp lễ, Tết hay Lễ hội Mừng lúa mới, lễ Bốc Mó, người dân lại quây quần bên chóe rượu cần và tiếng chiêng, tiếng cồng vang lên say mê.
Đến nay, nhờ tình yêu cồng chiêng cùng những nỗ lực của chính quyền và người dân, phong trào khôi phục văn hóa truyền thống đồng bào Thổ đã được kết quả tích cực. Các câu lạc bộ cồng chiêng, múa hát, dệt võng gai đã được thành lập, duy trì và biểu diễu thường xuyên. Các bà, các cô đã huy động được nhiều người trẻ tham gia tập đánh cồng chiêng, hát đối. Nhiều địa phương đã thuyết phục, vận động người dân đóng góp; huy động nguồn vốn xã hội hóa để mua cồng chiêng mới.
Để khuyến khích các xóm, thôn, bản chú trọng hơn đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống, hằng năm, nhiều địa phương tổ chức các chương trình thi văn nghệ và yêu cầu mỗi đội phải có một tiết mục mang bản sắc dân tộc. Chính quyền xã đã triển khai các biện pháp để khôi phục, bảo tồn các làn điệu, bài cồng chiêng; đưa một số làn điệu dân ca của người đồng bảo Thổ vào dạy trong trường học.
Đến nay, đồng bào người Thổ ở Nghệ An vẫn duy trì được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó, nghệ thuật cồng chiêng đóng vai trò quan trọng và thiêng liêng trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ. “Thời gian tới, huyện khuyến khích các nghệ nhân tích cực truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, biên soạn thành sách, quay video để làm tư liệu lưu trữ. Đồng thời, đưa các làn điệu, bài đánh cồng chiêng vào trong trường học và phục vụ du khách”, ông Nguyễn Văn Thực, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ khẳng định.