Giải đua ghe Ngo năm nay quy tụ 47 đội tham gia, trong đó có 42 đội nam, 5 đội nữ, với hàng nghìn vận động viên từ các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng. Ước tính, trong hai ngày diễn ra Giải đua ghe Ngo Ban tổ chức đã thu hút trên 200 nghìn lượt du khách tới tham quan, cổ vũ.
Năm nay, Giải đua ghe Ngo có không ít bất ngờ khi cả đôi vô địch và á quân của mùa giải trước đều không lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất mùa giải này. Kết quả, ở cự ly 1.200 m đối với ghe Ngo nam, đội ghe chùa Tum Núp 2 (huyện Châu Thành) xuất sắc giành chức vô địch cùng phần thưởng 150 triệu đồng. Xếp thứ nhì là đội chùa Ompuyear (huyện Mỹ Xuyên) với giải thưởng 100 triệu đồng. Vị trí thứ ba thuộc về đội của chùa Wath Pích (thị xã Vĩnh Châu) với giải thưởng 80 triệu đồng. Các đội giành vị trí Nhất, Nhì, Ba đều của tỉnh Sóc Trăng.
Đối với cự ly 1.000 m ghe Ngo nữ, đội ghe Ngo chùa Cà Nhung (tỉnh Kiên Giang) đã vượt qua 4 đội ghe Ngo nữ khác để giành giải Nhất kèm phần thưởng 100 triệu đồng. Giải nhì thuộc về đội của chùa Tum Núp (huyện Châu Thành) với giải thưởng 80 triệu đồng. Đội ghe Ngo chùa Ô Chum Prêk Chêk (thị xã Ngã Năm) đoạt giải Ba với phần thưởng 60 triệu đồng. Hai đội giành giải Nhì, Ba đều của tỉnh Sóc Trăng.
Sóc Trăng là địa phương có đồng bào Khmer sinh sống đông nhất cả nước, chiếm tỷ lệ gần 31%. Theo ông Trần Minh Lý, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăngm Lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo là dịp để địa phương phát huy giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và của các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung. Giải đua ghe Ngo được tổ chức hàng năm với sự tham gia của đông đảo các đội ghe Ngo trong và ngoài tỉnh. Năm nay, giải đấu được tổ chức chặt chẽ, chu đáo, an toàn, vui tươi, tiết kiệm, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các vận động viên đều nêu cao tinh thần thể thao trong sáng, đoàn kết, vui tươi, thi đấu hết sức mình.
Trong khuôn khổ tuần lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng 2020, tại Sóc Trăng còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: Hội chợ triển lãm thương mại; các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP); Giải Bi sắt vô địch đồng đội toàn quốc; Liên hoan sân khấu Dù kê, phục dựng lễ Cúng Trăng; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục đồng bào Hoa; tôn vinh, công nhận các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer Nam bộ...