Ca khúc Việt Nam 70 năm nhìn lại

Nhìn lại 70 năm âm nhạc Việt Nam, tuy thời chiến là 30 năm và thanh bình cũng đã có tới 40 năm, nhưng cảm hứng hào hùng vẫn là cảm hứng chính trong ca khúc Việt Nam.

1. Ca khúc với Cách mạng tháng Tám
   
Nếu tính mốc 70 năm ca khúc Cách mạng Việt Nam để nhìn lại thì có lẽ nên bắt đầu từ Hội nghị Tân Trào, khi nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi hát vang “Diệt phát xít” và “Tiến quân ca” trong Hội nghị. Rồi “Tiến quân ca được chọn làm bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh, vang lên trong lễ xuất quân của Đội tuyên truyền giải phóng quân khi tiến đánh thị xã Thái Nguyên.

Ở Hà Nội, vào chiều ngày 17/8/1945, khi các cán bộ Việt Minh cướp diễn đàn cuộc mít tinh của Tổng hội công chức định ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, biến cuộc mít tinh thành cuộc ủng hộ Mặt trận Việt Minh ngay khi lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng buông xuống cửa Nhà hát Lớn và tiếng đàn Anconium của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu vang lên giai điệu “Tiến quân ca”.

Từ ngày sau đó, 18 và 19/8/1945, dường như lồng ngực người Hà Nội đã không ngừng hát vang những bản hành khúc yêu nước và Cách mạng. Điều tuyệt vời nhất là ngay trong ngày khởi nghĩa thành công, đã có một nhạc sĩ vừa đi trong đoàn biểu tình, vừa sáng tác ngay bản hành khúc trong cảm xúc thăng hoa. Đó là nhạc sĩ Xuân Oanh với hành khúc “19/8” để lại đời đời cho lịch sử. Từ sau ngày khởi nghĩa, ngày nào ở Hà Nội cũng vang lên “Cùng nhau đi Hồng Binh” của Đinh Nhu, “Du kích ca” của Đỗ Nhuận, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao.

Tiết mục hát hợp xướng ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" do các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc Quốc gia biểu diễn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN


Biết Hà Nội khởi nghĩa thành công, Lưu Hữu Phước cùng bạn là Nguyễn Mỹ Ca viết ngay “Khúc khải hoàn”. Ngày khởi nghĩa ở Sài Gòn 25/8/1945, cùng với “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên”, “Khúc khải hoàn” đã vang lên gắn chặt hơn một triệu người vũ trang bước đi rầm rập theo tiếng hát, điệu khèn, điệu trống. Cả đất nước Việt Nam đã thoát khỏi ách nô lệ trong đầy ắp âm thanh của những giai điệu Cách mạng và yêu nước.

2. Những hành khúc giục bước chân đi

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Khi dọc ngang chiến lũy Hà Nội vang lên “Thủ đô huyết thệ” của Lương Ngọc Trác thì theo bước những đoàn quân đi lên chiến khu có “Sẽ về Thủ Đô” của Huy Du. Phạm Duy sau khi viết “Chiến sĩ vô danh”, “Nợ xương máu”, “Chinh phu ca”, “Thu chiến trường” lại giục giã những đoàn quân chiến đấu trên các mặt trận với “Thanh niên ca”, “Nhạc tuổi xanh”, “Đường về quê” và “Về đồng hoang”.

Trên đường kháng chiến, khi Lương Ngọc Trác hùng tráng với “Trường Chinh ca” thì Việt Lang lại luồn chất trữ tình vào nhịp hành khúc ở “Đoàn quân đi”. Ở Nam Bộ là “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí - Nguyễn Bính, rồi “Tầm Vu” của Đắc Nhẫn - Quốc Hương, “Du kích Ba Tơ” của Dương Minh Viên và đoạn hành khúc trong “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương giục giã Trung Bộ quật cường. Cũng như thế, những đoạn hành khúc trong “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Sông Lô” của Văn Cao, “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận cũng làm náo nức nhịp quân đi ở khắp các mặt trận. Thời kỳ này Văn Cao đã có trước một hành khúc dự báo cho ngày thắng lợi. Đó là “Tiến về Hà Nội”.

Khi đại quân ta tiến vào Điện Biên Phủ thì bên cạnh “Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Đỗ Nhuận đã bừng khởi một chùm hành khúc mở đầu là “Hành quân xa”. Sau đó khi ta đánh Điện Biên Phủ là “Trên đồi Him Lam” và cuối cùng khi thắng lợi là “Giải Phóng Điện Biên”.

Sau Hội nghị Genève, đất nước tạm chia làm hai miền, ở miền Bắc, lực lượng quân đội nhanh chóng xây dựng chính quy hiện đại, những hành khúc lại theo chân người lính đến thao trường. Đó là “Bài ca cách mạng tiến quân” của Đỗ Nhuận. “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho. Và “Lực lượng ta hùng mạnh” của Hoàng Việt. Khi ấy, lực lượng vũ trang bí mật hoạt động ở miền Nam, những bước chân âm thầm ấy vẫn có “Khúc quân hành”của Phan Thế giục giã, để rồi đi tới “Giải phóng miền Nam” của Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước). Rồi sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, những chiến sĩ giải phóng quân đầu tiên lại lên đường với “Hành khúc giải phóng”, “Bài hát giải phóng quân” của Lưu Nguyễn - Long Hưng (là Hoàng Hiệp và Lưu Hữu Phước) và lại dõng dạc hùng tráng với “Mỗi bước ta đi” của Thuận Yến, “Ra tiền tuyến” của Huy Quang (tức Phan Huỳnh Điểu)…

Sau đó, là một thời kỳ rực rỡ của hành khúc. Hành khúc Việt Nam đã góp thêm gương mặt mới mẻ của mình vào thể loại hành khúc, vừa hùng tráng, vừa trữ tình. Không thể kể hết những hành khúc đã in đậm vào thập niên nóng bỏng này. Đó là Nguyễn Xuân Khoát với “Theo lời bác gọi” lời thơ Lê Kỳ Văn - Vũ Trọng Hối với “Bước chân trên dải Trường Sơn”. Nguyên Nhung với “Hành khúc không quân nhân dân”. Nguyễn Đức Toàn với “Hành khúc chiến sĩ thông tin”. Huy Thục với “Kèn xuất trận” thơ Tô Đức Chiêu và “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Thanh Phú với “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”. Bên cạnh các nhạc sĩ quân đội, các nhạc sĩ ngoài quân đội cũng tấu lên những nhịp đi rực cháy ý chí chiến đấu. Đó là Lưu Cầu với “Miền Nam ơi chúng tôi đã sẵn sàng”, “Lửa căm thù rực cháy khắp hai miền”. Phạm Tuyên với “Bám biển quê hương”, “Chiến thắng Quảng Bình”. Hoàng Vân với “Bài ca pháo kích”, Hồ Bắc với “Trên đường Hà Nội”. Văn Dung với “Giải phóng quân ta ra đi”. Tân Huyền với “Những bước đi vững chắc”. Trọng Bằng với “Những dũng sĩ núi Thành” v.v…

3. Ca khúc Việt Nam từ thời chiến sang thời bình

Sau những Khải Hoàn ca của “Đất nước trọn niềm vui”, bắt đầu xuất hiện những giai điệu trữ tình như những cơn mưa nhỏ tưới vào đồng hạn thời chiến khô nẻ bao năm. Ca khúc Việt Nam bắt đầu mềm lại những cảm xúc yêu thương đằm đìa hơn, da diết hơn như “Gửi nắng cho em” (Phạm Tuyên - Thơ: Sơn Tùng), “Cung đàn mùa xuân” (Cao Việt Bách - thơ: Lưu Trọng Lư), “Mùa xuân đến rồi đó” (Trần Chung), “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao)… Nhưng do những nhận thức chính trị chậm chuyển biến hơn thực tế, nhiều vị “lãnh đạo tư tưởng” luôn cảnh giác câu chuyện xảy ra ở miền Bắc sau chống Pháp đã “xét nét” khá kỹ sự biến chuyển này. Bởi vậy, cũng đã có xầm xì xung quanh “Gửi nắng cho em” của Phạm Tuyên. Họ suy diễn rằng có phải vì choáng ngợp với thế giới hàng hóa ở Sài Gòn như choáng nắng mà phải “gửi nắng” ra cho miền Bắc nghèo nàn và rét lạnh chăng? Một suy diễn hơi không bình thường về thần kinh vậy mà ta vẫn phải nghe, vẫn phải chấp hành.

Trường hợp “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao thì lại khác. Bản tình ca như khúc khải huyền mộng mị ấy đã không được thu thanh và tuyên truyền gì hết mặc dù nó đã ngay lập tức được nước bạn Liên Xô (cũ) dịch ra tiếng Nga và ấn hành trong một tuyển tập. “Mùa xuân đầu tiên” cứ chìm nghỉm từ năm 1976 cho mãi tới năm 1993, khi Văn Cao tuổi “thất thập cổ lai hy” giữa những ngày đổi mới tươi sáng, “Mùa xuân đầu tiên” mới được trình diễn và sau đó mới được thấm vào lòng người như một kỷ niệm âm nhạc cuối cùng của Văn Cao với đời sống. Các tác giả của Sài Gòn trước năm 1975 thì kẻ di tản, người ở lại như Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu còn nhiều bỡ ngỡ. Chỉ có Tôn Thất Lập vì đã có vài năm ra học ngoài Bắc thì có “Tình ca mùa xuân” với ngôn ngữ hòa được vào dòng chảy chung. Dẫu là sau đó là nghe vang những “Tình em biển cả” (Nguyễn Đức Toàn), “Biển hát chiều nay” (Hồng Đăng), “Nha Trang mùa thu lại về” (Văn Ký), “Tình ca trên những công trình” (Phó Đức Phương), “Trên công trường rộn tiếng ca” (Ngô Quốc Tính), “Tình ca Tây Nguyên” ( Hoàng Vân), “Em ở đầu sông anh cuối sông” (Phan Huỳnh Điểu - thơ: Hoài Vũ), “Làng quan họ quê tôi” (Nguyễn Trọng Tạo - thơ: Nguyễn Phan Hách), “Nhịp cầu nối những bờ vui” (Văn An - thơ: Phan Văn Từ), “Một mùa xuân” (Trần Hoàn - thơ: Thanh Hải), “Tàu anh qua núi” (Phan Lạc Hoa) và “Chiều trên bến cảng” (Nguyễn Đức Toàn) với hơi thở nhạc nhẹ…

Nhìn chung những giai điệu trữ tình này vẫn còn nặng lòng với quá vãng chiến tranh. Nó chưa thoát hẳn âm hưởng cũ, chưa phải là thành phẩm thuần khiết của thanh bình. Mà sự dung dằng này là cũng đúng vì chỉ sau thống nhất bốn năm, chiến tranh Tây Nam và phía Bắc đã xảy ra. Lại một cuộc song hành giữa những giai điệu trữ tình và anh hùng ca diễn ra một thập niên (1179 - 1989) giống như thời kỳ trước ở miền Bắc (1954 - 1964). Không chỉ song hành mà còn giao thoa ngay trong một tác phẩm kiểu như “Đêm nay anh ở đâu” (Phan Huỳnh Điểu), “Thơ tình người lính biển” (Hoàng Hiệp - thơ: Trần Đăng Khoa), thật hiếm những giai điệu trữ tình mang chất thanh bình thuần khiết như “Tình biển” (Trần Quang Huy), “Hoa sữa” (Hồng Đăng)… và những tư tưởng kiểu như “Đi qua vùng cỏ non” (Trần Long Ẩn), “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui’ (Trịnh Công Sơn) lại bắt đầu bị ì xèo theo một kiểu cũ rích rất khó chịu, ví dụ: “Những dòng sông đã lâu - Không ra được biển rộng” tức là có ý đồ muốn vượt biên hoặc: “Tôi nhặt gió trời - Để em giữ lấy - Để mắt em cười tựa lá bay” là vu vơ, trống rỗng chẳng thấy có “ý thức vươn lên” gì cả…

Chính “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn cũng xuất hiện từ khi đó nhưng đã bị rơi tõm vào im lặng suốt một thập niên (1984 - 1994). Có lẽ, ca khúc Việt Nam bắt đầu mang chất thanh bình thuần khiết từ khi bắt đầu thời kỳ đổi mới trong suốt hai mươi năm qua. Chỉ có từ đó mới thấy xuất hiện những “Lời tỏ tình mùa xuân” (Thanh Tùng), “Lời của gió” (Duy Thái), “Lặng lẽ nơi này” (Trịnh Công Sơn), “Ngẫu hứng lý ngựa ô” (Trần Tiến), “Tiếng sóng” (Dương Thụ), “Cơn mưa em bất chợt” (Nguyễn Đình Bảng), “Em ơi Hà Nội phố” (Phú Quang - thơ: Phan Vũ)…

Nhìn lại 70 năm âm nhạc Việt Nam, tuy thời chiến là 30 năm và thanh bình cũng đã có tới 40 năm, nhưng cảm hứng hào hùng vẫn là cảm hứng chính trong ca khúc Việt Nam. Tuy nhiên trong đó vẫn có sự song hành của cảm hứng trữ tình. Qua 40 năm thanh bình, cảm hứng trữ tình đã đầy thêm, dày thêm, nhưng vẫn rất cần một sự lớn vượt để cảm hứng này là cảm hứng chính, góp phần quan trọng trong đời sống. Nhìn lại 70 năm âm nhạc Việt Nam, bài viết này cũng chủ yếu viết về mảng ca khúc là mảng sáng tạo chính của âm nhạc Việt Nam. Những mảng sáng tạo khác cần có riêng những bài viết khác.


Nguyễn Thụy Kha

"Tiếng trúc, tiếng tơ" trở về dòng nhạc truyền thống
"Tiếng trúc, tiếng tơ" trở về dòng nhạc truyền thống

"Tiếng trúc tiếng tơ", với sự góp mặt của ca trù, chèo, chầu văn và hát xẩm; sẽ tái hiện một không gian văn hóa độc đáo theo dòng cổ nhạc, như một lời mời gọi dẫn dắt ta vào cuộc viễn du qua 10 thế kỷ âm nhạc Việt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN