Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
Cổng vào Hội Lim được xây dựng khang trang. Ảnh: QM |
Qua nhiều năm, Hội Lim ngày càng được tổ chức quy củ, được chuẩn bị chu đáo từ nơi diễn ra lễ khai hội cho tới những chòi hát quan họ, đến các khu vực diễn ra những trò chơi truyền thống như đấu vật, đấu cờ, đu tiên, dệt cửi, nấu cơm....
Năm nay, Hội Lim 2017 vẫn được tổ chức tại Đồi Lim, nơi có chùa Hồng Ân. Tỉnh Bắc Ninh và huyện Tiên Du thời gian qua đã đầu tư và xã hội hóa nhiều hạng mục để trùng tu, cải tạo, xây dựng sân khấu, đường đi lối lại khang trang, sạch đẹp.
Đặc biệt, Ban Tổ chức Hội Lim đã đưa ra cam kết đảm bảo văn minh trong dịp diễn ra lễ hội. Cụ thể, các nội dung khác về việc rước, tế, lễ vẫn thực hiện theo nghi lễ truyền thống. Việc các liền anh, liền chị tổ chức hát không đúng nơi quy định sẽ bị cấm triệt để, nhằm đảm bảo quy mô cho lễ hội.
"Chủ để chính của lễ hội năm 2017 của tỉnh Bắc Ninh là : “Lễ hội văn minh, an toàn, lành mạnh góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Trong đó, những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, quản lý và tổ chức các lễ hội của tỉnh Bắc Ninh gồm sớm triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể các di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt.
Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng; thường xuyên giới thiệu trên hệ thống loa truyền thanh về giá trị lịch sử của di tích, của lễ hội, và nhân vật được thờ. Tăng cường đảm bảo trật tự an ninh, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể với người phụ trách trong việc chỉ đạo, vận động cán bộ, Đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định", đại diện tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Truyền thống của Hội Lim
Có giả thuyết cho rằng Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương, mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim.
Còn theo sử sách ghi lại, Hội Lim chính là hội chùa làng Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn, là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục.
Ông còn cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Do có nhiều công lao với hàng tổng và việc ông đặt hậu ở chùa Hồng ân, nên khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậu Phật hàng tổng.
Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) hiện giữ ở đình thôn Đình Cả đã cho biết khá rõ lai lịch, công trạng và việc thờ phụng hậu hàng tổng Nguyễn Đình Diễn mỗi năm hai dịp vào “ngày sinh” và “ngày hóa” của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng ân trên núi Lim.
Trải qua lịch sử, Hội Lim đã có nhiều lớp văn hóa, trong đó người ta chỉ tổ chức tế lễ hậu thần vào một dịp là ngày 13 tháng Giêng, trùng với hội chùa Lim. Chính vì vậy mà có hội Lim và đây là hội hàng tổng.
Hội Lim có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội – là phần căn bản và đặc trưng nhất của Hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò, đến Con sáo sang sông, Con nhện giăng mùng...