Ông Mạc Văn Bảy (65 tuổi), quê ở Hải Dương, đang sống tại buôn Bu Đắk, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), tuy chỉ còn một tay nhưng vẫn chơi đàn bầu rất thành thạo. Tiếng đàn bầu của ông đã làm mê say nhiều người yêu loại nhạc cụ này.
Ông Bảy kể: “Tôi đến với đàn bầu là sự tình cờ, là cái duyên. Tôi tham gia quân ngũ, vào chiến trường Bình-Trị-Thiên năm 1967 thì bị thương nặng, mất một cánh tay phải về trại thương binh. Một lần đoàn nghệ thuật Long Hưng của tỉnh Hưng Yên đã đến biểu diễn tại trại vở chèo “Cô du kích Hoàng Ngân” và người đánh đàn bầu phía sau màn che sân khấu đã để lại ấn tượng cho tôi. Từ đó tôi “mê” đàn bầu. Tôi mày mò tự học. Ban đầu tôi tự làm đàn bằng ống tre, lon sữa bò, lấy dây đàn ghi ta để "chế" thành đàn bầu của riêng mình…”. Sau những năm miệt mài tự học, niềm đam mê, cộng với năng khiếu, ông đã được mọi người biết đến từ việc tham gia Liên hoan đàn bầu toàn quốc (năm 1978). Đến với Đắk Nông vào năm 2010, nơi cao nguyên M’Nông với hàng trăm lễ hội, nhạc cụ dân tộc của người bản địa, tiếng đàn bầu của ông đã hòa chung trong âm hưởng thiêng liêng đó.
Trong “sự nghiệp” cầm đàn, ông Bảy đã có một bộ sưu tập trên 20 huy chương tại liên hoan ca múa nhạc dân tộc, đoàn ca múa nhạc thương binh, diễn tấu đàn bầu... Nhưng đối với ông, kỉ niệm nhớ nhất là được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao huy chương Chiến sỹ văn hóa (năm 1986).
Ông Bảy đã được công nhận là một nghệ nhân đàn bầu. Nhưng điều ít người biết là ông vẫn ngày ngày sống với nỗi đau về thể xác, do bị nhiễm chất độc hóa học. Thế nhưng, với tình yêu đàn bầu, nghệ nhân Mạc Văn Bảy hàng ngày vẫn say sưa với tiếng đàn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này.
K Gửi H